Hạn chế stress trên tôm

Trong nuôi tôm, có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển, gây tình trạng stress ở tôm và làm ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Do đó, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế stress cho tôm là vô cùng quan trọng.

  1. Khái niệm

Stress là trạng thái mất cân bằng nội mô của cơ thể, là một trạng thái sinh lý không bình thường gây ra do tác động của các yếu tố bất lợi của môi trường ngoài hay trong cơ thể. Các yếu tố này gọi là tác nhân stress. Khi điều kiện ngoại cảnh thay đổi, có tác nhân stress mà cơ thể không duy trì được cân bằng nội mô thì con vật sẽ lâm vào trạng thái stress và phải trải qua quá trình stress để tiến tới thích nghi với ngoại cảnh mới. Đây chỉ là một quan điểm, vì định nghĩa chính xác về stress vẫn còn vượt quá sự hiểu biết của các nhà khoa học, mặc dù đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Thế nhưng, không phải loại tác nhân gây stress nào cũng có hại, trong thực tế sản xuất, con người đã lợi dụng, khai thác các yếu tố stress để kích thích vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhiều, đẻ sớm, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm như bổ sung thêm các loại thuốc bổ, premix khoáng, acid amin… sử dụng chế độ màu sắc, cường độ ánh sáng phù hợp, tăng thời gian chiếu sáng để vật nuôi nhanh lên giống, tăng tỷ lệ trứng rụng… Ngày nay trong chăn nuôi công nghiệp, các yếu tố stress có lợi này đang được khai thác áp dụng rất nhiều để nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

2. Tác nhân và ảnh hưởng

Trong nuôi tôm, các tác nhân gây stress bao gồm: thay đổi thời tiết, khí hậu, thay đổi thức ăn đột ngột, nuôi ghép, vận chuyển, nuôi nhốt, dùng thuốc quá liều quy định, chất lượng nước kém…. tất cả những yếu tố đó đều gây bất lợi cho con vật hay còn gọi là con vật bị stress làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển bình thường. Cụ thể, đối với tôm nuôi, các yếu tố có thể gây stress trong ao nuôi như: Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, pH, độ mặn, mưa liên tục, nắng nóng kéo dài; quá trình vận chuyển tôm giống, sang tôm; mật độ thả tôm dày; thiếu ôxy, nồng độ CO2 cao; NH3, H2S cao; chất rắn lơ lửng, hàm lượng kim loại nặng trong ao cao; độc tố do nấm, vi khuẩn; thuốc trừ sâu; tôm thường xuyên bị thiếu dinh dưỡng; quá trình lột xác; Xử lý nước bằng hóa chất quá liều hoặc hóa chất gây độc cho tôm; tôm bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng, vi khuẩn hay virus…

Tôm bị stress có thể giảm ăn đôi khi bỏ ăn, màu sắc cơ thể bất thường như hồng nhạt, tím nhạt hoặc sẫm màu hơn so với bình thường; tôm dễ bị cong thân, đục cơ. Stress xảy ra phổ biến ở tất cả các ao tôm, đặc biệt là nuôi thâm canh. Stress gây hại thầm lặng nhưng nguy hiểm bởi khi tôm bị stress, trao đổi chất bị rối loạn dẫn đến mất khoáng, giảm hấp thu dưỡng chất, tiêu hóa giảm; bơi lội kém, giảm bắt mồi; tăng trưởng chậm, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh và tệ hại hơn là tôm bị chết.

3. Biện pháp hạn chế

Tôm có thể bị stress từ bất cứ tác nhân nào trong quá trình nuôi. Do đó, chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh bằng các phương pháp nuôi an toàn sinh học ngay từ ban đầu là giải pháp cơ bản và mang lại hiệu quả tốt nhất cho tôm nuôi. Trong đó, phòng bệnh trong quá trình nuôi bao gồm: thực hiện tốt việc quản lý con giống, thức ăn, nguồn nước và theo dõi sức khỏe tôm nuôi. Các biện pháp như:  Chọn tôm giống sạch bệnh, đã qua kiểm dịch; Thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong nuôi tôm; Hạn chế các tác động xấu từ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm như biến đổi của các yếu tố thủy lý, thủy hóa, sự gia tăng của mầm bệnh trong ao; Ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh từ nguồn giống không đảm bảo, chất lượng nước cấp không đạt yêu cầu, quá trình xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài do vệ sinh ao nuôi, trang trại chưa phù hợp…; Áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp quản lý việc sử dụng thuốc và hoá chất: Chỉ sử dụng khi thật cần thiết, không lạm dụng; Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất được phép; Cần bảo quản thuốc, hóa chất đúng cách; Ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc, hóa chất; Quan sát hoạt động của tôm trong ao, biểu hiện của tôm vào sàng ăn, các dấu hiệu cảm quan như tình trạng thức ăn trong ruột, các dấu hiệu bên ngoài khác…

Bên cạnh đó, theo dõi dấu hiệu lột xác để kiểm soát chặt chẽ độ kiềm của nước, đảm bảo chất lượng nước để tôm phát triển tốt, tăng trọng tối đa và hình thành vỏ mới sau mỗi lần lột xác, đồng thời tăng khối lượng, chất lượng tôm trước khi thu hoạch; Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh, quản lý tốt màu nước ao; Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số sản phẩm như beta – glucan, Vitamin C, A, E… vào thức ăn.

Theo Hoàng Ngân, Contom

Ý kiến của bạn