Cá cảnh – loài thủy sản có thế mạnh xuất khẩu

Việt Nam là một trong ba trung tâm cá cảnh trên thế giới (Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á); trong đó, phát triển mạnh nhất tại TP Hồ Chí Minh. Dự báo, cá cảnh sẽ là sản phẩm đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nhiều năm tới.

Thương hiệu riêng

Cá cảnh mang thương hiệu Việt Nam đã hiện diện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như châu Âu, châu Á, Mỹ, EU…; trong đó, EU là thị trường nhập khẩu cá cảnh lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước. Với các loài chính như: cá dĩa, cá bảy màu, chép Koi, thủy tinh, nóc beo, cánh buồm, hồng kim.

Trước năm 1975, sản lượng cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Những năm 1967 – 1974, sản lượng cá cảnh đạt đỉnh cao phát triển với các hoạt động xuất nhập khẩu. Sau năm 1975, sản lượng sụt giảm nhiều. Hiện, TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 300 hộ dân tham gia sản xuất, ương và nuôi cá cảnh và khoảng gần 200 cửa hàng cá cảnh kinh doanh trong thành phố. Bước ngoặt với nền công nghiệp cá cảnh tại thành phố xuất hiện vào năm 2005, khi đạt 7 trong số 13 giải thưởng trong triển lãm cá cảnh tại Singapore. Do đó, tiềm năng cho sự phát triển cá cảnh ngày càng lớn với số lượng, chất lượng và giá cả hợp lý.

Quy mô nhỏ lẻ

Theo thống kê, sản xuất giống và ương nuôi cá cảnh chỉ tập trung tại một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa với tổng số cơ sở sản xuất giống, ương nuôi khoảng 414 cơ sở và sản lượng giống sản xuất năm 2010 khoảng 62,46 triệu con giống, trong đó TP Hồ Chí Minh chiếm tới 96,7% tổng sản lượng giống.

Các trại giống có diện tích trung bình khoảng 2.655 m2/trại, giữa các trại giống còn dao động lớn (khoảng 40 – 40.000 m2/trại). Nhìn chung, sản xuất giống cá cảnh chiếm diện tích không nhiều và có thể sử dụng ao, bể xi măng, bể kính.

Tuy có mặt từ lâu đời, nhưng nghề sản xuất và nuôi cá cảnh hiện nay còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Chủ các trại giống chủ yếu học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ người quen hoặc thông qua quá trình tự tìm hiểu kỹ thuật sản xuất đúc kết thành kinh nghiệm. Công nghệ của các trại còn khác nhau. Cùng đó, hầu hết các trại sản xuất cá cảnh đều đã chủ động được nguồn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống. Các trại giống chủ yếu là sản xuất giống cá cảnh nước ngọt. Các đối tượng cá cảnh nước ngọt được sản xuất giống khoảng trên 40 loài (trong đó có các loài cá cảnh bản địa như: cá vàng, cá nàng hai, cá bảy màu, cá tai tượng…) và đã sản xuất được một số loài cá nhập có giá trị kinh tế như: cá dĩa, cá chép Koi, cá neon, cá la hán…

Có thể phát triển

Từ năm 2001, hoạt động xuất khẩu cá cảnh tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia, cá cảnh có thể trở thành sản phẩm đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều loại cá cảnh trên thế giới đều đã có ở Việt Nam với tổng số khoảng 120 loài. Một số địa phương có nghề chơi cá cảnh nhiều như Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương dẫn đầu phong trào nuôi và kinh doanh cá cảnh của Việt Nam với câu lạc bộ tập hợp những người nuôi và kinh doanh cá cảnh với hơn 200 hội viên, nuôi hơn 15 – 17 triệu con cá cảnh các loại. Hiện, vùng nuôi cá cảnh của thành phố đã lan rộng khắp các quận, huyện trên địa bàn… UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây một trung tâm nhân giống cá cảnh rộng hơn 20 ha tại huyện Củ Chi nhằm đưa hoạt động nuôi và kinh doanh cá cảnh chuyên nghiệp hơn.

Được biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập lượng cá cảnh biển và cá nước ngọt làm phong phú thêm cho thị trường với số lượng nhập khoảng 150.000 con. Các loài cá cảnh nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Philippines… như cá chuột Ba Sọc, cá Thành Cát Tư Hãn, cá Hoàng tử châu Phi…

Theo các chuyên gia, thời gian tới, để phát triển ngành cá cảnh, cần có sự định hướng quản lý, kiểm soát, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cũng như phổ biến xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, có chính sách thỏa đáng trong việc khuyến khích phát triển loại thủy sản này…

Theo Nguyễn Văn Hữu – Thảo Dương, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 15/12/2015

Một bình luận trong “Cá cảnh – loài thủy sản có thế mạnh xuất khẩu”

Ý kiến của bạn