Chuyện ít biết về loài cua siêu đắt

Ngày 8/3 vừa qua, tại một nhà hàng ở Hà Nội, cua hoàng đế được bán với giá trên 4 triệu đồng/kg. Vì sao loài cua này có giá đắt khủng khiếp đến thế?

Cua hoàng đế (cua huỳnh đế) là loài hải sản quý, đắt giá hàng đầu thế giới vì thịt ngon, hơn nữa bởi sự khó khăn, nguy hiểm trong việc đánh bắt. Trên thế giới, nói đến cua hoàng đế, người ta thường nhắc đến vùng biển Alaska lạnh giá của Mỹ với hai loài của hoàng đế đỏ và xanh nổi tiếng.

Cua hoàng đế Alaska chỉ sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu (200-400m). Chúng sở hữu những cặp chân dài, lớp vỏ cứng nhưng thớ thịt lại mềm mại. Thịt cua hoàng đế có hương vị đặc biệt, thơm ngon nhất trong tất cả các loại cua.

Cua Alaska chỉ thoảng hương biển mặn, thanh và thơm thay vì đậm mùi bùn như nhiều giống cua khác. Những tảng thịt trắng ngọt, dai dai ẩn sau lớp vỏ hồng hào, điểm chút đậm đà của đại dương, ngon nhất là nướng mọi trên lửa, không cần tẩm ướp cầu kỳ.

Mùa đánh bắt cua Alaska bắt đầu vào mùa thu ngoài khơi Alaska và khu vực quần đảo Aleutian (biển Bering). Mùa cua diễn ra rất nhanh. Ngoài Mỹ, Nga cũng là nước xuất khẩu nhiều cua hoàng đế vì sở hữu diện tích mặt nước cực bắc rộng lớn, chưa kể những vùng biển quốc tế ở Bắc cực.

Năm 1980, thời điểm đỉnh cao, ngành đánh bắt của hoàng đế Alaska khai thác được 91.000 tấn cua. Tuy nhiên, đến năm 1983, sản lượng ở một số nơi giảm đến 90%. Nhiều giả thuyết được đưa ra: đánh bắt quá mức, nước biển ấm lên, số loài cá ăn thịt tăng lên… Trong mùa cua 2010, sản lượng ở Alaska chỉ đạt 11.000 tấn cua đỏ.

Hoạt động đánh bắt tại vùng biển Alaska rất nguy hiểm và số ngư dân tử vong khi đánh bắt cua cao gấp 80 lần các ngành đánh bắt khác ở đại dương. Tính ra, trong mùa cua, cứ mỗi tuần lại có một ngư dân thiệt mạng.

Ở Alaska có ba loại cua hoàng đế mang giá trị thương phẩm gồm của đỏ, cua xanh và cua vàng. Cua đỏ đắt nhất vì thịt ngon nhất. Loại thứ tư có màu đỏ tươi, thịt ngọt, tuy nhiên giá trị thương phẩm không cao vì số lượng rất ít và trọng lượng nhỏ.

Chính phủ Mỹ quy định rõ về kích cỡ loại cua, thời điểm nào được đánh bắt cua nào. Giá cua đỏ tại thị trường Mỹ năm 2012 là khoảng 15 USD/kg. Tới thời điểm này, một kg cua Alaska bán tại Mỹ có giá trên 60 USD. (Tại TP. HCM, một số cửa hàng bán cua Alaska nguyên con đông lạnh với giá 2,5 triệu đồng/kg).

Mùa đánh bắt cua hoàng đế thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Thời gian ấn định cho một mùa cua liên tục bị thu hẹp, có thời điểm mùa đánh bắt cua đỏ chỉ diễn ra trong 4 ngày.

Sau năm 2005, mỗi tàu được cấp một hạn ngạch dựa trên sản lượng đánh bắt mùa trước đó và số lượng cua có thể đánh bắt ngoài đại dương (ước tính). Ở Alaska, đội tàu đánh bắt cua từ 251 tàu đã giảm xuống còn 89. Hiện nay mùa cua chỉ kéo dài từ 2-4 tuần.

Tàu bắt cua là loại dài từ 12-75m, được trang bị hệ thống thủy lực để nâng các lồng bẫy cua. Tàu phải có khả năng chống chịu sóng lớn, nhiệt độ ở mức đóng băng ở biển Bering. Ngư dân tự lên hải trình khai thác và tàu của họ có thể ngoài khơi nhiều tuần liên tục.

Cách đánh bắt cua như sau: ngư dân dùng lồng bẫy có khung thép, lưới bằng nylon. Mỗi lồng nặng trên dưới 300kg. Mỗi tàu có thể mang khoảng 150-300 lồng. Mồi bẫy là cá trích hoặc cá tuyết. Người ta thả lồng bẫy xuống nơi được cho là có nhiều cua hoàng đế. Mỗi lồng bẫy đều có phao lớn đánh dấu để thuận lợi cho việc thu lồng.

Thông thường, cua đỏ và cua xanh sống ở khu vực có độ sâu khoảng 180m trong khi cua vàng thường sống ở độ sâu từ 180-720m. Các lồng sau khi thả xuống đáy biển khoảng 1- 2 ngày sẽ được kéo lên (nếu đánh bắt cua đỏ và xanh), lồng bắt của vàng sẽ để ngâm lâu hơn.

14-00-08_081119-g-5394s-005-fishing-vessel-bordingĐánh bắt cua tại vùng biển Alaska

Khi thu lồng, bộ tời thủy lực sẽ làm nhiệm vụ tải lồng cua từ đáy biển lên. Nhiệm vụ của các ngư dân lúc này là phân loại cua. Con nào không đạt yêu cầu, đáp ứng quy chuẩn của chính phủ sẽ phải thả đi.

Cua hoàng đế được giữ sống trong một bể nước lớn cho tới khi tàu cập cảng, cua được giao cho thương lái. Đôi khi trời quá lạnh, lũ cua bị đóng băng và vỡ vỏ.

Một nguy cơ nữa là nếu chúng bị nhốt quá lâu trong bể chứa cua của tàu, chúng có thể giết lẫn nhau bởi loài này có tập tính ăn thịt đồng loại. Thậm chí, sự rung lắc của tàu cũng có thể làm chết cua nên tàu đánh bắt cua phải được thiết kế đặc biệt để hạn chế sự rung lắc trong hầm chứa.

Nếu một số con cua chết, xác chúng tạo ra chất độc có thể giết chết những con còn lại. Vì vậy, ngư dân thường phải kiểm tra và loại ngay những con cua chết khỏi hầm. Một mùa cua tuy ngắn nhưng một ngư dân có thể kiếm được hàng chục ngàn USD. Ngư dân đi biển lần đầu thường được trả một số tiền cố định, bất chấp số lượng cua đánh bắt được lớn hay nhỏ.

Tuy công việc mang lại lợi nhuận lớn nhưng ngư dân đánh bắt cua Alaska thường phải đối mặt với hiểm nguy. Một cơn sóng lớn cũng có thể bất cứ lúc nào cuốn phăng anh ta xuống biển và nhấn chìm ngay lập tức.

80% ngư dân bắt cua thiệt mạng do bị cuốn xuống biển hoặc bị giảm nhiệt thân thể. Chuyện thương tích do va đập, tai nạn với máy móc thường xuyên xảy ra.

Cua hoàng đế được người sành ăn khắp thế giới ưa chuộng nhưng khi loài cua đỏ từ vùng biển của Nga tràn vào biển Na-uy, các nhà môi trường đã lên tiếng cảnh báo loài sinh vật ngoại lai này đang đe dọa cả hệ động vật biển địa phương. Cua hoàng đế đỏ tại biển Na-uy đã gia tăng số lượng với tốc độ chóng mặt, càn quét và tàn phá mọi thứ trên đường đi của chúng.

Theo Nguyễn Xuân Thủy, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 12/03/2015

Một bình luận trong “Chuyện ít biết về loài cua siêu đắt”

Ý kiến của bạn