Cứu cánh nuôi tôm: Nuôi trải bạt

Trong khi nhiều nơi nuôi tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa bỏ ao, tạm dừng thả giống vì thua lỗ thì vùng nuôi tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh lại thắng lớn.

Cứu cánh nuôi tôm: Nuôi trải bạt

Lãi cao Anh Nguyễn Văn Việt, chủ hộ nuôi tôm ở thôn thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ cho biết, thời tiết 2 vụ đầu thả nuôi nắng nóng thất thường, có thời điểm nhiệt độ đo được lên đến trên 40 độ C gây bất lợi cho việc nuôi tôm.

Do đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, nắm vững kỹ thuật nên hạn chế được rủi ro và có lãi. 2 vụ vừa qua anh lãi hơn 1,2 tỷ đồng.

“Gia đình tôi có 2 ao nuôi, trong đó 1 ao có diện tích 1.800 m2, ao còn lại 3.500 m2. Vụ đầu đồng loạt thả giống từ ngày 12/1 (âm lịch) với khoảng 2 triệu con giống, giá đầu tư 96 – 98đ/con.

Sau hơn 2 tháng thả nuôi thu hoạch gần 30 tấn, bán với giá từ 98.000 – 120.000đ/kg, trừ chi phí tôi lãi gần 1,1 tỷ đồng.

Vụ sau thấy thời tiết phức tạp tôi thả trước 45 vạn giống cho ao 1.800 m2, sau 2 tháng thu hoạch được 5,5 tấn, bán với giá 110.000đ/kg lãi hơn 150 triệu. Sau khi xử lý ao, tôi đang thả nuôi đợt 3”, anh Việt chia sẻ.

Còn hộ ông Trần Văn Gần, người cùng thôn cũng vừa thu hoạch lứa tôm vụ 2 thắng lợi bất chấp thời tiết nắng nóng.

Gặp chúng tôi, ông Gần cho biết: “Tôi thả 62 vạn giống cho ao có diện tích 3.200 m2, sau 73 ngày thu hoạch được 11 tấn (cỡ tôm 55 con/kg), trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng. Đây được xem là vụ thắng lợi nhất từ trước đến nay của gia đình”.

Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, toàn xã có hơn 42 ha nuôi tôm trải bạt từ nhiều năm nay. Do chú trọng đầu tư thâm canh cộng với nghị lực của bà con nên những năm qua việc nuôi tôm đều có lãi.

Đặc biệt từ năm 2012 – 2013 người nuôi trúng đậm, nhiều hộ thu nhập tiền tỷ. 2 vụ năm nay dù thời tiết bất lợi nhưng người nuôi vẫn thắng.

Có đến 70% diện tích thu hoạch có lãi và huề vốn. Hộ lãi ít nhất hàng chục triệu đồng, lãi nhiều lên đến hàng tỷ…

“Số diện tích nuôi tôm không có lãi do người nuôi chọn thời điểm thả giống không phù hợp hoặc nguồn giống không đảm bảo, trong quá trình nuôi bị hao hụt cao, lại bán với giá thấp”, ông Khánh nói.

Tuân thủ 3 nguyên tắc

Theo anh Việt, sở dĩ vụ tôm năm nay gia đình anh nuôi 2 vụ liên tiếp có lãi bởi tuân thủ 3 nguyên tắc, đó là quản lý nguồn nước tốt, chọn con giống thả nuôi có nguồn gốc và đầu tư nuôi thâm canh cao.

Anh Việt giải thích, nguồn nước là khâu quan trọng nhất đối với việc thành hay bại của vụ nuôi. Vùng nuôi Tuần Lễ được thiên nhiên ưu đãi, có cả nước ngọt và mặn. Các hộ đều khoan 2 giếng cả trên bờ và dưới nước để khai thác.

Tuy nhiên, để có nguồn nước nuôi chính thức, họ bơm nước mặn qua bể chứa, sau đó xử lý kỹ rồi mới bơm vào bể nuôi.

Kiểm tra độ mặn nguồn nước trong ao cao hoặc trong quá trình nuôi có sự chênh lệch, họ bơm nước ngọt vào để điều khiển độ mặn. Thông thường độ mặn chỉ cho phép từ 31 phần ngàn trở xuống.

Về con giống, theo anh Việt, cần chọn giống có nguồn gốc để khi nuôi được đảm bảo, ít dịch bệnh và nhanh lớn. Nên mua giống của các DN SX có tiếng như CP Thái Lan, Việt Úc, Anh Việt, Nam Miền Trung…

Việc đầu tư thâm canh cũng rất quan trọng. Các ao đều trải bạt, có xi phông đáy ao và đầy đủ máy móc cần thiết, kể cả máy sục khí đáy công nghệ Mỹ, với giá đầu tư 7,2 triệu đồng/giàn. Ưu điểm công nghệ này tạo oxy rất tốt, xáo trộn các tầng nước và đồng nhất chất lượng nước.

Cũng theo anh Việt, để ứng phó thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho việc nuôi tôm 2 vụ vừa qua, anh cũng như người nuôi nơi đây đã duy trì mức nước ao nuôi ổn định từ 1,5 m.

20-19-40_nguoi-nuoi-trng-bi-my-suc-khi-dy-o-cong-nghe-my
Trang bị máy sục khí đáy ao công nghệ Mỹ.

Đồng thời kết hợp hệ thống sục khí đáy và quạt nước trong ao được tăng cường từ 4 – 6 cái hoạt động liên tục, chỉ nghỉ vài tiếng trong lúc cho ăn. Nhờ vậy đã trúng lớn.

“Việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao rất tốn kém, trung bình với ao nuôi có diện tích 4.000 m2 người nuôi phải bỏ từ 600 – 800 triệu đồng (tùy vị trí) để nâng nền, trải bạt và trang bị đầy đủ máy móc cần thiết để phục vụ trong quá trình nuôi”, anh Việt chia sẻ.

Ông Trần Văn Khánh cho hay, các hộ nuôi được chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn liên tục để nuôi tôm hiệu quả. Riêng năm 2015, địa phương phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn 8 lớp đan xen trước và sau vụ nuôi, thu hút hơn 1.000 lượt nông dân tham gia.

Theo Kim Sơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 17/09/2015

Một bình luận trong “Cứu cánh nuôi tôm: Nuôi trải bạt”

Ý kiến của bạn