Giải pháp giảm giá thành

Có 4 yếu tố quan trọng tác động đến giá thành tôm nuôi của Việt Nam: Chất lượng con giống; Thức ăn nuôi tôm; Thuốc thú y thủy sản và các loại chế phẩm; Tâm lý và nhận thức của người nuôi. Cả 4 yếu tố này đang tồn tại nhiều vấn đề dẫn đến giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn so với các nước.

Ông Phạm Khánh Ly, Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản:

Kết hợp đồng bộ các giải pháp

Để giảm giá thành sản xuất thì cần phải có các yếu tố: giảm giá con giống, giá thức ăn, giá công lao động, giá điện, nâng cao chất lượng giống cùng đó cần giảm dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí quản lý. Nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi, áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả; cần có khảo sát và so sánh giá thức ăn trong nước với giá ở nước ngoài (cả trong khâu sản xuất lẫn khâu lưu thông qua trung gian) có chênh lệch nhiều không và có hiện tượng bắt tay nâng giá không. Từ đó, có các biện pháp quản lý sao cho giá cả ổn định và đảm bảo yếu tố cạnh tranh cũng như người dân không bị rủi ro khi phải mua thức ăn có chất lượng không tương ứng với chi phí bỏ ra, hoặc phải trả quá nhiều chi phí trung gian.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh:

Thực hiện quy trình nuôi tôm hiệu quả

Về phần con giống, để nâng cao chất lượng con giống, nhà nước cần có nghiên cứu điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống để người nuôi mua được tôm giống với giá hợp lý, ít trung gian cũng như không mua phải tôm giống xấu, chất lượng kém. Về quy trình sản xuất, cần thực hiện việc cho ăn phù hợp (không thừa, không thiếu), quản lý thức ăn hiệu quả; đảm bảo các yếu tố môi trường tốt giúp tôm hấp thu tốt, tránh dịch bệnh; sử dụng vi sinh không dùng các loại thuốc khác trong suốt quá trình nuôi. Đảm bảo quy trình nuôi tốt thì sẽ giảm được giá thành từ đó giảm được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả cho người nông dân. Cơ quan quản lý địa phương thường xuyên theo dõi hoạt động và sự tuân thủ để xử lý kịp thời các tình trạng hàng không nguồn gốc, hàng cấm, đầu cơ, tạo khan hiếm để trục lợi.

Ông Tăng Văn Tuối, Giám đốc HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa (Sóc Trăng):

Nâng cao nhận thức của người nuôi

Đa số người nuôi hiện nay không bán trực tiếp cho nhà máy nên thông tin giá cả họ chỉ quan tâm khi chuẩn bị thu hoạch và cũng chỉ nhận thông tin qua thương lái thu gom. Trong khi, giá cả tôm thay đổi thường xuyên, nhiều yếu tố tác động, người nuôi không có được biện pháp để tối ưu hóa chi phí nuôi (giá thành). Nhiều trường hợp thiếu vốn, họ chấp nhận mua nợ nên cũng không thể đàm phán tỷ lệ chiết khấu hoặc rất dễ dãi chấp nhận mức chiết khấu cao của đại lý do thông tin mùa trước giá tôm ở mức cao dẫn đến tình trạng không kiểm soát giá thành nuôi. Chưa kể để chia sẻ rủi ro các đại lý có thể tính mức chiết khấu cao cho an toàn mà không quan tâm đến giá thành của người nuôi. Do vậy cần thiết lập các cơ chế để giúp người nuôi có thể thỏa thuận một cách sòng phẳng, tránh được những rủi ro khi mua hàng của các đại lý và đặc biệt họ có thể tối ưu hóa giá thành trong nuôi tôm.

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hoàng Anh:

Mua con giống, thức ăn tại Công ty để có được giá gốc

Trong quá trình nuôi tôm, người nuôi nên mua tôm giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… tại nơi sản xuất, giúp giảm giá thành tất cả các khâu, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, giảm giá thành trong nuôi tôm, đem lại lợi nhuận tối đa cho người nuôi, trong điều kiện giá tôm xuất khẩu vẫn bất lợi như hiện nay. Nhìn chung, người nuôi nên tìm mua thức ăn tại các đầu mối giống như các đầu mối mà farm nuôi tìm mua, bình quân, giá thức ăn tại các đầu mối này giảm 4.000 đồng/kg (giảm 5% giá thành) so với việc mua tại các cơ sở nhỏ lẻ. Trung bình, khi thu hoạch 1 tấn tôm thương phẩm, người nuôi sử dụng hết 1,2 – 1,4 tấn thức ăn là phù hợp. Hiện nay, Công ty Tân Hoàng Anh cũng đang áp dụng nhiều chính sách kích cầu nuôi tôm, khuyến khích người nuôi mua tôm tại Công ty, giảm giá tôm nguyên liệu cho người nuôi, hỗ trợ vận chuyển, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn nuôi hiệu quả, thời gian cho ăn đúng cách, với mục đích cuối cùng nhằm đưa người nuôi mua được giống, thức ăn, thuốc đúng giá, đúng chất lượng và thực hiện quy trình nuôi hiệu quả.

Giảm giá thành là tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, là yếu tố chính để tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Vì vậy, việc xem xét và cải thiện 4 yếu tố trên để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam là thực sự cần thiết khi mà các nước sản xuất khác đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu thức ăn, con giống.

Theo Linh Chi – Dương Thảo, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 07/10/2015

2 bình luận trong “Giải pháp giảm giá thành”

Ý kiến của bạn