Kỹ thuật sinh sản lươn bán nhân tạo

Sinh sản lươn bán nhân tạo, kỹ thuật đơn giản phù hợp với các hộ dân có diện tích nhỏ, giúp người nuôi chủ động nguồn giống trong sản xuất.

Chuẩn bị bể nuôi

Vị trí bể được chọn ở nơi đất bằng phẳng, có tán cây cao thoáng mát. Diện tích bể nuôi dao động từ 15- 30m2, bể thường có hình chữ nhật, chiều dài gấp 2 lần chiều rộng trở lên, để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu trứng.

Khung bể được làm bằng sắt hoặc tre gỗ, sau đó dùng bạt nilon hoặc cao su quây kín đáy và xung quanh, cao từ 0,8 – 1,2m. Sau khi quây bạt nên bơm nước vào bể để kiểm tra, nếu thấy nước rò rỉ phải hàn kín ngay. Chuyển đất bùn vào bể, đất bùn phải sạch, không ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và có thể trộn thêm rơm rạ mục (chiếm khoảng 10 – 15%). Lượng bùn trong bể sâu 30cm, sau đó đổ thêm 2 lớp bùn chạy dọc theo hai bên cạnh thành bể rộng 1 – 1,2m và cao 40cm làm nơi trú ngụ cho lươn. Tạo một con mương dọc theo giữa bể rộng từ 0,6 – 1m. Lấy nước vào bể, ngập mương nước 20 – 30cm và để phần đất hai bên nhô cao 10 – 15cm. Mương nước thả bèo lục bình hoặc các loại cây thủy sinh khác. Nước cấp vào bể là nước sạch (nước giếng khoan, nước thủy lợi), không bị ô nhiễm hay ô nhiễm sắt, phèn, pH 6,5 – 7,5. Có thể dùng lá dừa, cọ đan thành tấm đậy che mát cho lươn.

Thả và nuôi vỗ

Lươn bố mẹ được mua từ các hộ nuôi quanh vùng hoặc các trạm trại sản xuất, nên mua ít nhất từ 2 nơi khác nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Không nên mua lươn ngoài tự nhiên để tránh mua phải lươn xiệc điện, lươn thu gom từ vùng khác bị nhốt lâu ngày.

Lươn là loài lưỡng tính, khi thành thục và bắt đầu sinh sản thì đa số là lươn cái, tuy nhiên sau một thời gian sinh sản và đạt kích cỡ lớn hơn chúng sẽ chuyển thành lươn đực. Do vậy, lươn cái khi mua về phải đạt 10 tháng tuổi trở lên và trọng lượng 20 – 30 con/kg (cỡ nhỏ hơn 30cm), lươn đực 4 – 8 con/kg (cỡ từ 45cm trở lên), tỷ lệ đực/cái là 1/1,5.

Lươn mua về phải trơn nhẵn, bóng, không bị dị hình, hoạt động mạnh và không bị xây xát trên mình. Nên mua và vận chuyển lươn lúc trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối). Khi mua về nên thả lươn vào chậu cho nghỉ 1 – 2 giờ, sau đó dùng nước muối (5%) tắm cho lươn 20 phút để loại bỏ các loại ký sinh trùng và nấm ký sinh. Khi thả cần nhẹ nhàng tránh gây stress cho lươn, mật độ thả 15 – 20 con/m2.

Lươn mới thả, ngày đầu không cần cho ăn để lươn quen với nơi ở mới.Thời gian nuôi vỗ thường kéo dài trong 3 tháng (tháng 1 – 3). Thức ăn cho lươn là cua, tép, ốc, cá tạp, trùn quế, giun đất… và cám công nghiệp 42 – 45% đạm. Thức ăn tươi được băm nhỏ vừa với cỡ miệng, liều lượng cho ăn 3 – 4% trọng lượng thân, ngày cho ăn 1 lần vào 17- 18 giờ hàng ngày. Thức ăn cho vào sàng ăn và đặt ở vị trí cố định trong mương nước giữa bể nuôi. Sau khi cho ăn 2 giờ phải vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm nước. Thức ăn cho lươn phải tươi, không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu. Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa… liều lượng 5 – 6 mg/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho lươn. Cho ăn đủ, đúng khẩu phần, khi thời tiết thay đổi nên giảm thức ăn và tăng lên khi lươn ăn khỏe trở lại. Định kỳ thay nước bể 1 tuần/lần, tuy nhiên có thể thay sớm hơn nếu nước bể nuôi bị ô nhiễm.

Thu và ấp trứng

Chuẩn bị các dụng cụ để vớt và ấp trứng lươn, như vợt lưới có kích cỡ mắt lưới nhỏ (2,5mm) sục khí, chậu nhựa và bể ương lươn giống. Sau 3 tháng nuôi vỗ, lươn bắt đầu sinh sản tự nhiên trong ao.

Biểu hiện của lươn sinh sản: Khi thấy có tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước và tổ bọt lớn dần vào chiều tối, thì sáng hôm sau lươn đã đẻ. Trứng bám vào tổ bọt và có màu vàng nhạt, trong suốt, đường kính trứng khoảng 3,5mm. Tùy theo cỡ lươn lớn hay nhỏ mà số lượng trứng thu được rất khác nhau, dao động từ vài chục đến vài trăm trứng một ổ. Sau khi đẻ lần 1 thì khoảng 1 – 15 ngày sau lươn tiếp tục đẻ lứa mới. Khi phát hiện ổ trứng lươn, cần dùng vợt để vớt trứng, rửa sạch và ấp trong các chậu nhựa (đường kính 40cm) có chứa nước sạch và sục khí nhẹ. Nhiệt độ ấp dao động từ 28 – 300C, pH 6 – 8, ôxy đạt trên 5 ppm. Sau 5 ngày, trứng bắt đầu nở và 2 – 3 ngày sau thì nở hết hoàn toàn.

Ương bột

Lươn con mới nở thân rất nhỏ, dưới bụng mang noãn hoàng to, chiều dài tối đa 2cm, ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể, nên trong thời gian này sục khí phải được duy trì liên tục. Lươn nở được 5 ngày thì chuyển sang bể ương trong nhà, bắt đầu cho ăn trứng nước, trùn chỉ, loăng quăng (thức ăn chiếm 6 – 10% trọng lượng thân) cho ăn 4 lần/ngày. Sau 10 ngày thì ăn trùn quế băm nhỏ, 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn cá xay nhuyễn. Lươn từ 30 ngày tuổi trở lên cho ăn ốc bươu vàng xay nhỏ. Thời điểm này nên bổ sung vitamin, khoáng để tăng cường sức đề kháng cho lươn con. Sau 2 – 3 tháng ương nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 5 – 10 g/con, cỡ 10 – 15 cm/con thì có thể xuất bán giống hoặc chuyển qua bể nuôi thịt.

Lươn sinh sản bán nhân tạo, con giống sẽ khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, ít hao hụt khi nuôi, mang lại hiệu quả cao. Hiện mô hình nuôi đang được nhân rộng ở tỉnh Vĩnh Long.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Chương, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 04/03/2014

Ý kiến của bạn