Những điều cần biết cho vụ nuôi cá

Hàng năm vào khoảng tháng 2, 3 khi thời tiết ấm dần lên cũng là thời điểm bước vào vụ nuôi cá mới. Để vụ nuôi thành công đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi cá. Qua thực tiễn thời gian gần đây cho thấy, chất lượng cá giống ngày càng giảm, thời tiết, môi trường diễn biến có phần phức tạp, nguồn nước ngày càng ô nhiễm tiềm ẩn nhiều mầm bệnh… Do đó người nuôi cần thực hiện tốt các khâu sau:

Chọn ao nuôi

Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, có nguồn điện ổn định và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm cá. Ao nuôi nên có diện tích từ 2.000 – 5.000m2, hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 – 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Nên có ao lắng chiếm diện tích khoảng 20 – 30% và ao xử lý nước thải chiếm diện tích khoảng 10% diện tích của ao nuôi.

Lựa chọn cá giống

Đây là khâu quan trọng quyết định lớn đến sự thành công của vụ nuôi, cá giống phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, được mua từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín. Cá giống trước khi mua phải được kiểm dịch, không mang mầm bệnh, có thể kiểm tra sức khỏe của cá bằng cách cho cá vào chậu và dùng tay khuấy nhẹ, nếu cá bơi, vận động nhanh nhẹn ngược dòng là cá khỏe. Lưu ý trước khi thả giống cần tắm khử trùng cho cá bằng muối ăn và khi thả cá giống cần mở miệng túi cá để nước ao vào trong túi sau đó để cá từ từ bơi ra, mục đích tránh cho cá bị sốc.

Lựa chọn thức ăn

Thức ăn chiếm 50% – 70% tổng chi phí vụ nuôi, vì vậy thức ăn cần lựa chọn những cơ sở sản xuất lớn có uy tín. Người nuôi cần căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của cá mà chọn loại thức ăn đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng. Nên tạo kho để chứa, bảo quản thức ăn tránh để bị ẩm mốc, ôi thiu gây bệnh cho cá nuôi.

Lựa chọn thuốc và hóa chất xử lý môi trường ao nuôi

Dựa vào quy trình kỹ thuật nuôi để chủ động đưa ra danh mục mua các loại thuốc và hóa chất xử lý môi trường trong quá trình cải tạo ao và nuôi. Người nuôi nên chọn các hãng sản xuất có uy tín để có được loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng. Khi sử dụng theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn và nhà sản xuất để có sự chọn lựa và phương pháp sử dụng hiệu quả nhất.

Để biết chất lượng nước ao nuôi đang ở mức độ nào, có ô nhiễm hay không, người nuôi nên mua một số dụng cụ kiểm tra các thông số môi trường nước như test đo: ôxy; NH3, NO2, H2S, pH để có các biện pháp xử lý môi trường kịp thời.

Thiết bị cung cấp oxy cho ao nuôi

Nên sử dụng một số trang thiết bị nhằm tăng oxy cho cá nuôi như máy quạt nước có tác dụng cung cấp ôxy hòa tan cho cá nuôi, tạo dòng chảy gom chất thải vào giữa ao nuôi, ngoài ra quạt nước còn cung cấp ôxy hòa tan cho các vi khuẩn có lợi dưới đáy ao phân hủy chất hữu cơ.

Cải tạo ao

Trước khi nuôi 20 ngày ao nuôi phải được cải tạo kỹ; nạo vét bùn đáy, bón vôi và phơi khô đáy ao. Bờ ao phải được đầm nén kỹ tránh rò rỉ nước, độ sâu ao (tính cả bờ) phải trên 1,5m.

Nhân lực

Tùy vào diện tích nuôi, loại hình nuôi để chuẩn bị nhân lực cho phù hợp, nhân lực nên có hiểu biết cơ bản về nuôi cá, bố trí nhân lực hợp lý, đảm bảo cá nuôi luôn được chăm sóc và quản lý tốt.

Sổ ghi chép (Sổ nhật ký)

Sổ ghi giúp các hộ nuôi có thể hạch toán được chi tiết số tiền đầu tư, tổng doanh thu của vụ nuôi từ đó tính ra hiệu quả kinh tế sau một vụ nuôi. Hơn nữa sổ ghi chép còn ghi lại toàn bộ quá trình quản lý và chăm sóc cá nuôi, đây là những dữ liệu quan trọng giúp cho người nuôi rút ra những kinh nghiệm quý để áp dụng cho vụ nuôi sau, đồng thời là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này khi đưa ra thị trường.

Trên đây là một số lưu ý cần thiết trước khi bước vào vụ nuôi mới, để góp phần cho vụ nuôi được thành công.

Theo Tô Thị Thu, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh, Báo Bắc Ninh, 25/03/2015

Ý kiến của bạn