Nuôi tôm khi trời lạnh bất thường

Tôm là loài động vật bậc thấp, thân nhiệt thay đổi theo môi trường, nhiệt độ thích hợp cho tôm sinh trưởng 27 – 32 độ C. Do vậy, khi nhiệt độ nước hạ thấp đột ngột sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của tôm, nên trong quá trình nuôi cần lưu ý một số vấn đề.

Chuẩn bị ao

Ao cũng được cải tạo và vệ sinh như ao nuôi tôm bình thường, nhưng lưu ý thời gian phơi đáy dài hơn (do trời ít nắng), không lấy nước vào ao nuôi trong những ngày gió mùa. Nếu cần nên lấy vào ao lắng trong 4 – 6 ngày để lắng và ổn định môi trường, sau đó mới cấp vào ao. Mực nước trong ao đạt 1,4 – 1,6 m, xử lý nước sau 2 ngày cần gây màu nước ngay, dùng phân NPK, urê, đậu nành, cám gạo… kết hợp cấy vi sinh. Bổ sung thêm vôi dolomite, vôi nông nghiệp để nâng độ kiềm và ổn định màu nước. Lắp đặt quạt nước để cung cấp ôxy hòa tan cho ao nuôi, lưu ý vào thời điểm sáng sớm và đêm khuya. Nước có màu xanh nâu, vàng nâu. Đảm bảo chất lượng nước khi thả giống: ôxy hòa tan > 4 mg/l; pH 7,5 – 8; độ kiềm > 80 mg CaCO3/l.

Một trong những biện pháp hữu hiệu nuôi tôm giai đoạn đầu khi nhiệt độ thấp là thiết kế ương tôm trong bể, ao nhỏ trải bạt (50 – 200 m2) trong nhà lán quây kín bằng nilon lắp đặt hệ thống sục khí 24/24, nhằm ổn định nhiệt độ và cùng các yếu tố khác như pH, độ kiềm, khí độc… trong ngưỡng cho phép và xiphông đáy hàng ngày. Thả tôm mật độ cao (200 – 400 con/m3 nước), sử dụng công nghệ Biofloc để ương tôm trong tháng đầu, sau đó chuyển ra ao để nuôi tiếp. Biện pháp này vừa giảm được hao hụt và hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm (EMS). Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra (tôm bị bệnh) thì sẽ loại bỏ và vệ sinh nhanh chóng ao, bể để ương lứa mới, tiết kiệm được nhân lực, thời gian và chi phí.

Thả giống và quản lý

Những hộ nuôi không có điều kiện đầu tư nhà bạt ương tôm, khi nhiệt độ nước dưới 200C thì không thả giống với bất kỳ lý do gì, bởi khi thả giống, nhiệt độ nước thấp, tôm ngừng ăn, tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn. Do vậy, chỉ thả giống khi nhiệt độ trên 230C và thả giống TTCT là phù hợp nhất bởi vì ngưỡng chịu đựng nhiệt độ của TTCT lớn hơn tôm sú.

Trước khi thả giống 30 phút nên chạy máy quạt khí để tăng cường ôxy hòa tan và nhiệt độ được đảo đều giữa các tầng nước ao, tránh tôm bị sốc. Cần chọn thời điểm thả có nhiệt độ nước ấm nhất trong ngày(12 – 14 giờ). Ngâm bao tôm trong nước 15 phút khi thả. Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho tôm ăn, cần trộn thêm dầu mực, vitamine và khoáng để tăng sức đề kháng của tôm. Ở thời điểm nhiệt độ cao trong ngày (11 – 15 giờ) nên cho ăn tăng và giảm lượng thức ăn vào ban đêm. Ao, bể ương tôm trong nhà bạt khi chuyển tôm ra ao nuôi cần chọn ngày nắng ấm, tránh gió mùa.

TTCT sẽ chết nếu nhiệt độ nước dưới 150C trong 24 giờ hoặc lâu hơn. Tôm ngừng sinh trưởng và ngạt nếu nhiệt độ 15 – 200C. TTCT phân bố và hoạt động ở tất cả các tầng nước nên tác động của sự phân tầng nước sẽ ảnh hưởng lớn đến tôm. Vì vậy, việc duy trì quạt khí để đảo đều nước trên mặt và đáy là cần thiết. Cần đo nhiệt độ trên mặt ao và tầng nước đáy vào sáng sớm và chiều tối.

Khi nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ giảm sự phát triển của tảo, ao khó gây màu nước. Khi trời nắng, tảo đáy sẽ phát triển cản trở hoạt động của tôm, cạnh tranh ôxy với tôm, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước làm ao khó gây màu, gây biến động môi trường nước như pH, ôxy… Để ngăn chặn sự phát triển của rong đáy, khi cải tạo ao cần tuân thủ kỹ thuật, luôn giữ mực nước cao, gây màu đảm bảo độ trong 35 – 40 cm, đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy và nước ao.

Khi nhiệt độ xuống thấp, bệnh teo gan tụy trên TTCT giảm nhưng bệnh đốm trắng lại phát triển mạnh trên tôm sú, do vậy cần quản lý tốt môi trường ao nuôi, cho ăn hợp lý và bón chế phẩm sinh học định kỳ để hạn chế được dịch bệnh trên tôm.

Theo Dương Tử, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 06/03/2014

Ý kiến của bạn