Phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có quyết định số 3885/QĐ-BNN-TCTS ngày 11/9 về việc Phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu phát triển nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Trong đó, đến năm 2016, mục tiêu diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt từ 5.300 – 5.400 ha, sản lượng cá tra nuôi từ 1.250.000 – 1.300.000 tấn; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, đạt 8-12%; kim ngạch xuất khẩu 2,0 – 2,3 tỷ USD. Đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 7.600 – 7.800 ha, sản lượng cá tra nuôi 1.800.000 – 1.900.000 tấn; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 – 20%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 – 3,0 tỷ USD.

Về nội dung quy hoạch, sản xuất giống cá tra ở các tỉnh nuôi trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015 đáp ứng 3 tỷ con giống, đến năm 2020 là 3,5 tỷ con. Bên cạnh đó, sản xuất cá bột nòng cốt do Trung tâm giống thủy sản của tỉnh và các trại sản xuất giống cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang thực hiện.

Về nuôi cá tra thương phẩm, tiêu chí quy hoạch vùng nuôi gồm các vùng đất bãi bồi, cù lao, đất ven sông có lưu lượng dòng chảy và sức tải môi trường lớn. Các vùng đất có kết cấu đất thịt hoặc đất phù sa có khả năng giữ nước tốt, không có phèn tiềm tàng trong đất; không bị ngập vào mùa mưa và đủ nước cung cấp vào mùa khô. Bên cạnh đó, cách xa các khu dân cư, thuận tiện trong giao thông, có nguồn nước đảm bảo chất lượng, ổn định, phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cá tra.

Về quy hoạch chế biến cá Tra, giai đoạn 2015 – 2016, không nâng tổng công suất chế biến cá tra phi lê đông lạnh, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá tra. Tỷ trọng các sản phẩm cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 8 – 12%.

Giai đoạn 2017 – 2020, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất cá tra nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cá tra; không đầu tư phát triển thêm cơ sở chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và công nghệ mới hiện đại vào chế biến sản phẩm chính và phụ phẩm cá tra để tạo ra các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm giá trị gia tăng cao. Đưa hiệu suất sử dụng thiết bị chế biến vào năm 2020 đạt 80 – 90%; tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 – 20%.

Về giải pháp thực hiện, trong sản xuất giống, nâng cấp và đầu tư các Trung tâm giống quốc gia ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nghiên cứu chọn tạo giống cá tra mới có chất lượng cao, kháng bệnh. Tiếp tục đầu tư các khu sản xuất giống cá tra tập trung để đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống cá tra; nghiên cứu phát triển thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, tỷ lệ hấp thụ cao; nghiên cứu sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giảm chi phí sản xuất thức ăn thủy sản, giảm giá thành sản xuất.

Về công nghệ nuôi thương phầm, xây dựng các vùng nuôi an toàn, đảm bảo các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng chỉ quốc tế phù hợp thị trường. Nghiên cứu xác định kích cỡ thu hoạch cá tra nguyên liệu phù hợp với quy luật tăng trưởng và có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Về giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị cá tra, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm đảm bảo sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu. Tổ chức các cơ sở chế biến và tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến làm trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.

Trên lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, giữ vững và phát triển thị phần xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (EU, Mỹ), đặc biệt quan tâm đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với sức mua, thị hiếu theo đặc thù các thị trường này. Nâng cấp tiêu chuẩn VietGAP tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế để đàm phán, thừa nhận lẫn nhau các sản phẩm từ cá tra. Thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam qua các kênh truyền hình, internet, ấn phẩm,…đến trực tiếp người tiêu dùng. Nghiên cứu mở trung tâm đầu mối phân phối, bán đấu giá sản phẩm cá tra tại các thị trường tiêu thụ rộng lớn để thuận lợi trong việc phân phối sản phẩm và tránh bán phá giá của các doanh nghiệp.

Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Thủy sản hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch, thông tin thống kê về tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, rà soát và đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, tình hình thị trường và thực tiễn sản xuất, chế biến cá tra; thực hiện kiểm tra, tổng hợp thông tin và định kỳ báo cáo.

Các đơn vị thuộc Bộ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiến hành kiểm tra điều kiện cơ sở, chất lượng an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu cá tra. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong chế biến cá tra; hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chế biến cá tra. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác có trách nhiệm nghiên cứu nâng cấp đàn cá giống bố mẹ nhằm cung cấp nguồn giống tốt cho phát triển cá tra chất lượng cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức rà soát, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến tại địa phương phù hợp với quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt tại quyết định này. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Hiệp hội cá Tra Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng khác giám sát việc thực hiện các nội dung quy hoạch đã phê duyệt, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng theo quy hoạch về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 102/2008/QĐ-BNN ngày 17/01/2008 phê duyệt “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”.

Tải nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch nuôi chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Theo Báo điện tử ĐCS Việt Nam, 12/09/2014

Ý kiến của bạn