Bệnh EHP trên tôm có thể khó kiểm soát

Tại kỳ họp chuyên đề tôm của Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu ở Vancouver, British Columbia, Canada (tháng 10/2015), một nhóm chuyên gia nghiên cứu tôm đã thảo luận về vi bào tử trùng microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei, ký sinh trùng nấm hình thành bào tử, và làm cách nào bệnh có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tôm toàn cầu. John Sackton, nhà biên tập và xuất bản của Seafood.com (dịch vụ tin tức thủy sản trực tuyến có trả tiền) ghi nhận báo cáo sau đây dựa trên các cuộc phỏng vấn với một số các chuyên gia tôm đã đưa ra phát biểu với điều kiện không trích dẫn tên.

Khi một bào tử tìm thấy vật chủ thích hợp trong tôm, nó làm giảm tốc độ tăng trưởng của tôm và gia tăng sự khác nhau về kích cỡ khi thu hoạch. Trong các ao nuôi bị nhiễm EHP thì có thể thu hoạch 5 loại kích cỡ khác nhau và nhiều cỡ tôm nhỏ.

Một chuyên gia từ Thái Lan cho biết: “EHP đầu tiên tác động đến Thái Lan vào năm 2011, trước cả EMS, và chúng tôi đã nhận thấy sản lượng giảm khoảng 10%…. Tôi nghĩ rằng … sự lây nhiễm này sẽ làm giảm từ 10-15% khi so sánh với thời gian trước khi bệnh.”

Tuy nhiên, có một số yếu tố giúp làm giảm bớt bệnh. Đầu tiên và quan trọng nhất là mật độ. Mật độ nuôi càng thấp thì càng ít ảnh hưởng từ EHP. Ở Ấn Độ, ví dụ ao nuôi thả 20 PL/m2 đạt mức tăng trưởng tốt hơn và nuôi được tôm lớn hơn so với ao nuôi thả 50 PL/m2.

Yếu tố thứ hai là độ mặn. Độ mặn thấp tạo thuận lợi gây ít tác động và tăng trưởng tốt hơn; độ mặn cao xuất hiện tương quan với tăng trưởng kém và tác động lớn hơn.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh EHP có liên quan trực tiếp đến số lượng bào tử trong gan tụy: số lượng bào tử càng nhiều thì tác động đến tăng trưởng càng lớn. Số lượng bào tử thường tăng lên cùng với số ngày tôm nuôi trong ao; sau 40 ngày lượng bào tử cao hơn so với ban đầu.

Một khi quá trình lây nhiễm bệnh xảy ra thì chưa biết cách nào để điều trị. Các bào tử gần như không thể phá hủy. Một số chuyên gia trong ngành tin rằng các bào tử có thể chịu được khô hạn trong 50 năm, hoặc clorin khử trùng ở nồng độ 200 ppm. Vì vậy, nếu một trại giống hoặc trang trại bị nhiễm bệnh, các biện pháp khử trùng mạnh mẽ phải được thực hiện trước khi thả giống lại.

Lây nhiễm bệnh bắt đầu từ bố mẹ. Nếu bố mẹ mang bào tử, bố mẹ sẽ chuyển bào tử đến nauplii và hậu ấu trùng của chúng. Nếu nhiều trang trại trong một khu vực bị nhiễm bệnh, các đường dẫn nước sẽ mang bào tử và đưa chúng tới các trang trại, các trại giống và tôm bố mẹ chưa bị nhiễm bệnh.

Ngăn chặn lây nhiễm trở nên khó khăn hơn bởi vì bệnh không đơn giản như các bệnh khác. Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) là xét nghiệm đơn giản nhất để xác định sự hiện diện của EHP. Tuy nhiên, PCR đòi hỏi một số lượng DNA nhất định để phát hiện bệnh. Nếu động vật chỉ mang một vài bào tử thì sẽ không có đủ DNA để phát hiện bệnh.

Khi để mặc EHP không được điều trị, những vấn đề xấu xảy ra. Bệnh đã và đang đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc một số năm qua. Các bào tử tích tụ trong môi trường, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn và chậm hơn. Nông dân có thể sản xuất tôm cỡ 20-gram trong năm đầu tiên, 15 gram vào năm thứ hai và 10 gram vào năm thứ ba. Tại thời điểm này, đây là phần lớn những câu chuyện về nuôi tôm ở Trung Quốc. Nông dân đã không thể sản xuất tôm cỡ lớn, và họ đang chuyển sang sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh này. Kết quả là Trung Quốc đã phải nhập khẩu tôm để có được cỡ tôm cần cho xuất khẩu, và để đảm bảo tôm không nhiễm kháng sinh để xuất sang Mỹ và các nước khác.

Việc tăng đột biến từ chối các lô tôm từ Malaysia do nồng độ cao của dư lượng kháng sinh có thể được truy nguồn tới vấn đề này. Trung Quốc chuyển khẩu tôm sang Malaysia, và việc từ chối tôm của Malaysia bởi Mỹ/FDA đã tăng vọt. Malaysia đã kiểm soát gắt gao và ngăn chặn thành công cách làm này, và việc từ chối của FDA đã giảm mạnh.

Sự hiểu biết hiện tại về EHP là thả với mật độ thấp thì vấn đề tăng trưởng chậm không nghiêm trọng. Vì vậy, một tác động có thể có nhiều tôm lớn trên thị trường toàn cầu, điều mà ngược lại với lẽ thường là bệnh gây hạn chế mức tăng trưởng.

Dường như rõ ràng rằng các khu vực sản xuất mới vốn đã từng có sự tăng trưởng sản lượng ngoạn mục, chẳng hạn như Ấn Độ, sẽ nhận thấy khựng lại khi các ao trở nên kém hiệu quả vào năm thứ ba hoặc thứ tư.

Theo Công ty Bioaqua Vietnam, 29/11/2015

3 bình luận trong “Bệnh EHP trên tôm có thể khó kiểm soát”

Ý kiến của bạn