“Cần thiết xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống tại tỉnh”

Nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất tại các địa phương tăng hàng năm; do đó, các địa phương cần có quy hoạch trong việc xây dựng các trung tâm tôm giống, tạo nguồn giống chất lượng, an toàn.

Thực tế cấp thiết

Ông Lê Tân Thới, Giám đốc Trung tâm sản xuất Giống thủy sản Trà Vinh cho biết, nhu cầu con giống rất lớn nhưng chất lượng khó kiểm soát. Nhiều cơ sở, thương lái nhập tôm giống từ ngoài tỉnh về, luôn né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Số lượng tôm thẻ chân trắng thả nuôi được kiểm tra chỉ 34%. Trước nhu cầu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp gấp rút triển khai chương trình quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung đến năm 2020. Theo đó, năm 2015 tỉnh sẽ sản xuất hơn 2,6 tỷ con giống tôm sú và TTCT, đáp ứng 53,1% nhu cầu thả nuôi; đến năm 2020, đáp ứng 96,4%.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cũng khẳng định: Toàn tỉnh Cà Mau mỗi năm cần 10 – 20 tỷ con tôm giống, việc kiểm soát chất lượng chỉ đạt 70%. Do đó, tỉnh đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng con giống”, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng 2 khu sản xuất giống tập trung, đảm bảo đủ điều kiện hạ tầng thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; cung ứng 60% con giống chất lượng cho người nuôi tôm. Phấn đấu đến năm 2016 có 90% cơ sở sản xuất tôm giống trong quy hoạch; đến 2020 tỷ lệ này được nâng lên 100%. Phấn đấu 100% kỹ thuật viên tại cơ sở sản xuất tôm giống áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đề án được triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 264 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước trên 52%.

Theo nhiều người nuôi tôm, mỗi khi vào vụ nuôi, dù đã liên hệ với trại nhưng phải mất 10 – 15 ngày mới nhận được con giống. Những thất thoát về số lượng bị ảnh hưởng đáng kể do khoảng cách xa… Do đó, nếu tại địa phương có thể tự cung cấp nguồn tôm giống thì người nuôi sẽ thuận lợi đủ đường.

Giải pháp

Nhìn chung, khó khăn hiện nay tại các địa phương trong triển khai xây dựng trung tâm giống là tình trạng huy động nguồn vốn, áp dụng công nghệ hiện đại… Do đó, khi mỗi dự án được triển khai, cần sớm khắc phục khó khăn, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, tạo mối liên liên kết với nhà đầu tư.

Tại Trà Vinh, khó khăn trong triển khai quy hoạch vùng sản xuất là việc nghiên cứu chưa được ứng dụng sâu rộng, kinh phí còn hạn chế… Để tháo gỡ, Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh đang cùng Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đề tài sản xuất giống TTCT trong tỉnh. Sau khi thử nghiệm thành công sẽ chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Ông Lê Tân Thới cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện; cấp đàn tôm giống bố mẹ sạch; chi phí kiểm tra, kiểm dịch; hỗ trợ cán bộ chuyên môn về kỹ thuật…

Theo ông Châu Công Bằng, Cà Mau cần tập trung vào việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ Đề án nâng cao chất lượng tôm giống; trong đó ưu tiên nguồn vốn, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn chuyên trách, phân cấp quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương, từng bước quản lý tôm giống theo cộng đồng, kiểm tra xử lý đối với những cơ sở sản xuất chưa đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y, nâng cấp các trại sản xuất kinh doanh tôm giống theo quy định của ngành.

Để đáp ứng tình hình sản xuất hiện tại, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất lượng con giống, sử dụng con giống an toàn, đáp ứng sự phát triển nghề nuôi tôm bền vững…

Theo Kim Phượng, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 30/10/2014

Ý kiến của bạn