Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

Trong tháng 06, bà con nuôi tôm ở Sóc Trăng tập trung thả giống, tình hình thời tiết và dịch bệnh càng diễn biến phức tạp khiến người nuôi lo ngại, khó tránh khỏi muốn sử dụng hóa chất để diệt khuẩn, diệt tạp và kháng sinh để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Trong khi thị trường thuốc hóa chất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay rất đa dạng, khiến bà con gặp khó khăn trong việc lựa chọn.

Những năm gần đây, môi trường nuôi thủy sản ở Sóc Trăng bị ô nhiễm trầm trọng, khiến cho diện tích thiệt hại ngày càng tăng. Trong khi hầu hết các hộ nuôi có quy mô nhỏ, tự phát, không tuân thủ kỹ thuật, dẫn đến việc lạm dụng hóa chất. Cộng thêm thị trường thức ăn, thuốc kháng sinh, thuốc phòng trị bệnh cho thủy sản quá đa dạng với nhiều hình thức quảng bá thương mại, làm cho người nuôi không biết nên lựa chọn sản phẩm như thế nào mới đạt chất lượng.

Muốn xác định được điều này, bà con cần tham khảo những văn bản danh mục hóa chất cấm và hạn chế của Bộ nông nghiệp & PTNT đã ban hành, tuy thời gian qua các ngành chức năng đã không ngừng tập huấn tuyên truyền, nhưng mức hiệu quả vẫn chưa cao. Ở quy mô kinh tế tập thể ,việc tiếp cận với các văn bản pháp luật sẽ dễ dàng hơn; Như ở huyện Mỹ Xuyên, là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, huyện đã triển khai tốt mô hình này, với 14 HTX và 108 THT nông ngư kết hợp. Tại các cơ sở này, quy trình nuôi tôm của bà con từng bước có kế hoạch, đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, việc sử dụng hóa chất kháng sinh cấm nhờ đó được hạn chế rất tốt. Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín – Phó trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo: “Đến thời điểm này diện tích tôm thả nuôi của huyện trên 6.000 ha đạt trên 35% kế hoạch, năm nay bà con đa số thả sú. Hiện bà con tập trung thả giống trong tháng 06 này trong khi lượng mưa chưa ổn định, do đó bà con nên bình tĩnh, chờ lượng mưa ổn định mới thả giống; Đồng thời thường xuyên cập nhật các thông tin về việc sử dụng hóa chất kháng sinh được cho phép, tránh tình trạng xài hóa chất quá nhiều, khiến bà con tốn tiền mà chưa chắc đạt hiệu quả.”

Ở góc độ nông dân, bà con gặp khó trong việc xác định sản phẩm nào có chứa hoạt chất cấm, sản phẩm nào không, sản phẩm nào chất lượng và không chất lượng ; Đa số bà con chỉ quan tâm đến công dụng và giá cả của từng loại thuốc hoặc kháng sinh. Do đó ngoài những chú ý này, bà con nhất thiết phải lưu tâm đến một số thông tin cần thiết ghi trên nhãn sản phẩm. Anh Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX nông ngư ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “ Thuốc thì công ty thuốc đưa đến quảng cáo tận nhà, tâm lý của hộ nuôi là thấy hay ,thấy rẻ thì mua, với lại cũng khó biết thuốc đó như thế nào, do đó ngành chức năng nên có nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho bà con hiểu rõ , như nhóm thuốc nào là loại kháng sinh, loại thuốc nào được kiểm tra cho phép sử dụng.”


Tuân thủ quy trình nuôi, sử dụng đúng hóa chất , góp phần thành công cho vụ nuôi.

Một mặt khuyến cáo đến bà con các biện pháp tránh mua phải thuốc thú y thủy sản kém chất lượng, các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các đại lý, cơ sở kinh doanh thuốc ,thức ăn trong chăn nuôi thú y và thủy sản. Theo đó các cơ sở này phải có giấp phép kinh doanh, giấy cam kết bán hàng đạt chất lượng và cập nhật đầy đủ các danh mục văn bản pháp luật về các hóa chất kháng sinh cấm, hạn chế. Kỹ sư Lê Văn Hăng – Trưởng phòng QLCL giống, thức ăn và dịch vụ NT thủy sản – Chi Cục nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng thông tin thêm: Ngày 02/04/2010 Thông tư 20 của Bộ Nông nghiệp bổ sung hoạt chất Trifluralin vào danh mục HCKS cấm sử dụng. Thông tư số 03 ngày 16/01/2012 đưa các chất Cypermethrim, Deltamethrin và Enrofloxacin ra khỏi danh mục hạn chế và bổ sung các chất này vào danh mục HCKS cấm, nên bà con phải chú ý khi mua thuốc phục vụ trong quá trình nuôi.

Tuy ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các giải pháp kiểm soát chất lượng tôm ngay từ khâu thả nuôi ở các hộ dân, bao gồm: giống, thức ăn, hóa chất, kháng sinh, đang được các địa phương tiến hành sâu sát. Trong thời gian tới, các ngành chuyên môn sẽ tăng cường đội ngũ thú y thủy sản, khuyến cáo và hướng dẫn bà con xử lý dịch bệnh, thay cho việc các hộ nuôi tự ý chẩn bệnh và chữa trị cho tôm như hiện nay. Tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, sớm đầu tư vùng nguyên liệu, hoặc liên kết sản xuất với các hộ nuôi trên cơ sở cung cấp giống và kỹ thuật, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đồng thời, học tập nghiên cứu áp dụng các mô hình tiên tiến như nuôi tôm sinh thái mật độ thấp, sử dụng thức ăn tự nhiên để hạn chế rủi ro bệnh tật.

Theo Ngọc Khuê, Đài PTTH Sóc Trăng

Ý kiến của bạn