Đừng để người nuôi tôm “tự bơi”…

Cà Mau là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế thuỷ sản, nên sau hơn 10 năm chuyển dịch sản xuất, diện tích nuôi tôm đã hơn 360.000 ha, nhiều nhất nước. Tuy nhiên, hầu hết nông dân chưa thật sự nắm vững kỹ thuật nuôi và những vấn đề liên quan đến con tôm. Hạn chế này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tôm chết kéo dài bấy lâu. Và hiện nay, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp phát triển nhanh thì dịch bệnh trên tôm càng phức tạp.

Vì thế, việc tập huấn hướng dẫn nông dân nắm vững kỹ thuật nuôi tôm, đặc biệt cho các mục tiêu phấn đấu nuôi tôm quảng canh cải tiến (NTQCCT) năng suất cao và nuôi tôm công nghiệp (NTCN) đến năm 2020 là hết sức cần thiết, cấp bách. Nó có ý nghĩa quyết định sự thành bại của từng vụ tôm, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.

Nông dân thiếu kỹ thuật

Ðể nuôi tôm thành công, người nuôi phải hiểu biết ít nhiều về đời sống con tôm thông qua tập huấn, đào tạo hay tự học, tìm hiểu qua sách báo, truyền hình. Phải hiểu về đặc điểm đất đai và những thuận lợi, khó khăn trên đồng đất nhà mình, nhằm áp dụng những kỹ thuật phù hợp cho con tôm sống tốt và phát triển đạt kết quả.

Thời gian qua, do không nắm vững kỹ thuật, không hiểu những yếu tố môi trường, thức ăn, dịch bệnh… tác động đến con tôm như thế nào nên người nông dân cứ tự mò mẫm thả nuôi theo kinh nghiệm riêng, trúng trật không biết rõ. Nếu thành công thì thu hoạch, ăn mừng. Thất bại cũng không rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn mà tiếp tục thả giống nối. Họ cũng không phân rõ mùa vụ cho phù hợp sinh thái như giữa mùa khô lúc đồng cạn, nước nóng, mặn hơn 30%o cũng có tôm, mùa mưa dầm tháng 8-10 nước ngọt xuống 1-2%o cũng cứ thả giống.

Ðiều đáng nói là tôm giống chọn thường không đạt chuẩn chất lượng, miễn giá rẻ là mua thả. Có người thì cho tôm ăn dư thừa, cũng có người không cho ăn gì suốt vụ nuôi. Ngoài ra còn bao nhiêu loại hoá chất kháng sinh, dư lượng nông dược độc hại vẫn thường có mặt trong môi trường nuôi nhiều lúc nhiều nơi mà chỉ do truyền miệng nhau… Vì thế tôm vẫn cứ tiếp tục chết và chưa rõ đâu là nguyên nhân chính.

Những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục, cải tiến nhằm tạo chuyển biến tốt hơn, bài bản hơn cho con tôm Cà Mau được lột xác mạnh khoẻ, ăn chắc và thanh sạch toàn diện để có thể vươn xa đến những thị trường lớn đầy tiềm năng nhưng khó tính.

Muốn thế phải tạo bước đột phá trong cách đào tạo tập huấn và xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhất là đội ngũ chuyên gia giỏi cho NTCN và NTQCCT. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về kiến thức mọi mặt cho người nuôi tôm, thông qua đổi mới cách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chủ động, linh hoạt hơn và sát với điều kiện cụ thể, chứ không chỉ là lý thuyết chung nhất theo giáo trình như đã qua.

Để con tôm “lột xác” trong môi trường kỹ thuật

Thời gian tới, việc tập huấn kỹ thuật để xây dựng mạng lưới kỹ thuật viên và giúp nông dân thực hiện các mô hình NTCN và NTQCCT, người học cần phải được chọn lựa, sàng lọc về mặt trình độ, kiến thức thích hợp để có khả năng tiếp thu kỹ thuật và sau này về còn triển khai nhân rộng mô hình. Trực tiếp nuôi tôm nên họ phải theo xuyên suốt bài học, phải có lòng nhiệt tình, ham muốn hiểu biết và chịu khó theo dõi thực hành các công đoạn nuôi để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Và khi về phải thực hành vận dụng, đồng thời cũng phải chịu khó thường xuyên cập nhật kiến thức thông qua tài liệu, sách báo và có điều kiện thì nên tham dự các cuộc hội thảo có liên quan.

Nhưng để không hạn chế người học và cũng nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra, khi chiêu sinh có thể phân người học thành 2 nhóm. Ðó là nhóm đủ trình độ tiếp thu cả lý thuyết lẫn thực hành và nhóm chỉ chú trọng đến thực hành nuôi còn lý thuyết chỉ là phụ. Quan trọng hơn, các ngành chức năng, chuyên môn liên quan cần chuẩn bị nơi thực tập hoặc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở giảng dạy, thực hành cho bảo đảm. Tuỳ khả năng tiếp thu của từng nhóm mà có bài giảng lý thuyết và thực hành phù hợp.

Tuy vậy, ngoài nội dung chung cần chuyển tải cho học viên, cần cập nhật, đi sâu và nhấn mạnh nguyên nhân, nguồn phát sinh dịch bệnh. Ðồng thời, chuyển giao các kỹ năng sử dụng những trang thiết bị phục vụ nuôi cũng như khả năng nhận biết, chẩn đoán và cách phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh phổ biến trên tôm nuôi. Nhất là cần phải giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc nuôi tôm “3 không”, là không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra ngoài môi trường.

Muốn cho con tôm Cà Mau sống khoẻ và bảo đảm cho nghề nuôi tôm phát triển ổn định, bền vững, lâu dài, đòi hỏi phải có giải pháp khẩn trương nâng cao trình độ kỹ thuật cho những người trực tiếp nuôi tôm. Nhưng nếu cứ mở lớp “tập huấn chay”cho nông dân theo kiểu cũ thì rõ ràng sẽ khó đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Theo Báo Cà Mau

Ý kiến của bạn