Giải pháp nào để giảm giá thành tôm nuôi Việt Nam?

Trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng tôm nuôi Việt Nam không ngừng tăng, đến năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 685.000 ha với sản lượng 660.000 tấn, tăng 4,4% về diện tích và 20,4% về sản lượng so với năm 2013.

Sản lượng tôm sú năm 2014 đạt 260.000 tấn tương đương với năm 2013 trong khi sản lượng tôm chân trắng đạt 400.000 tấn tăng 45,3%.

Năm 2014, tôm Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khả quan của năm 2013, chiếm 50% tổng giá trị XK thủy sản, đạt 3,95 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2013.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2015, tôm Việt Nam bị áp lực cạnh tranh lớn do giá thành cao dẫn đến giá XK cao hơn đáng kể so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Indonesia. Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới, năm 2014, giá trung bình tôm Ấn Độ NK vào Mỹ là 13 USD/kg và nhanh chóng giảm xuống còn 11 USD/kg trong 2 tháng đầu năm 2015. Giá tôm Indonesia trên thị trường Mỹ cũng đạt 11 USD/kg trong tháng 2/2015. Trong khi, tôm NK từ Việt Nam vẫn duy trì mức giá 13 USD/kg trong 2 tháng đầu năm 2015.

Bên cạnh những vấn đề tồn tại của ngành như là việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; phát triển ồ ạt, tự phát, khó kiểm soát,…dẫn đến khủng hoảng thừa/thiếu nguyên liệu, nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường gia tăng, thì có 4 yếu tố quan trọng đang tác động đến giá thành tôm nuôi của Việt Nam hiện nay: (1) Chất lượng con giống; (2) Thức ăn nuôi tôm; (3) Thuốc thú y thủy sản và các loại chế phẩm; và (4) Tâm lý và nhận thức của người nuôi. Cả 4 yếu tố này đang tồn tại những vấn đề về chất lượng, quản lý và trình độ dẫn đến giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn so với các nước.

Thực trạng và giải pháp cho tôm giống

Chất lượng con giống được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá thành tôm nuôi của Việt Nam hiện nay.

Tôm giống của Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo chất lượng là do nhiều cơ sở sản xuất tôm giống (SXTG) tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình SXTG sạch bệnh. Công tác kiểm dịch tôm giống còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ; việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất, đại lý cung cấp tôm giống thực hiện nghiêm túc.

Việc tập huấn, hướng dẫn, quản lý điều kiện kinh doanh giống chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ sở kinh doanh kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường, bán sản phẩm không nhãn hiệu bao bì, không đảm bảo chất lượng. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển trại SXTG còn chậm, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…

Hiện nay mặc dù ta đang nhập tôm bố mẹ SPF từ nước ngoài có đăng ký nhưng chất lượng post không đều khiến cho chí phí nuôi có thể tăng lên đáng kể nếu người nuôi mua phải những lô tôm giống không rõ nguồn gốc, đã nhiễm kháng sinh, chậm lớn…

Để nâng cao chất lượng con giống, nhà nước cần có nghiên cứu điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống để người nuôi mua được tôm giống với giá hợp lý, ít trung gian cũng như không mua phải tôm giống xấu, chất lượng kém.

Triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện, đồng thời hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn.

Tăng cường phối hợp với những trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành thủy sản lớn để đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống; đồng thời chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại chỗ.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có quy định cụ thể về chất lượng tôm giống như thế nào thì đạt yêu cầu, để làm căn cứ các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện để việc điều tra thẩm định được dễ dàng hơn.

Do điều kiện địa lý nên việc vận chuyển tôm giống cũng là một vấn đề cần được quản lý phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất với lượng giống họ đưa ra thị trường không phân biệt nuôi cho XK hay cho tiêu thụ nội địa.

Nghiên cứu mô hình kiểm định tôm bố mẹ mà Ấn Độ đang làm để áp dụng thống nhất một cơ sở duy nhất kiểm định nguồn giống bố mẹ NK và cả nội địa hóa trước khi các cơ sở mang về sản xuất ra tôm giống và kiểm định sau đó trước khi đưa ra lưu thông.

Nguồn giống tốt, sạch bệnh sẽ giúp người nuôi giảm giá thành đáng kể trong chi phí con giống và cả trong chi phí thuốc, chế phẩm trong chu trình nuôi.

Thức ăn nuôi tôm

Hiện nay giá thức ăn và chất lượng thức ăn đang bị chi phối bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong vòng khoảng 15 năm qua, đã có rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia ngành này như các doanh nghiệp FDI đến từ Thái Lan (Công ty CP), Đài Loan (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu…), Trung Quốc (Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen…), Hàn Quốc (CJ Master…), Pháp (Tomboy…), Mỹ (Cargill…). Các DN này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không chỉ sản lượng lớn, các công ty này còn có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt, đặc biệt với hai nguồn nguyên liệu chính là bột cá (nguồn gốc từ Peru, Chile…), đậu nành (Mỹ…).

Vốn của của các DN này rất dồi dào, với chi phí lãi vay thấp từ các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, DN Việt Nam không đủ vốn đầu tư cho đại lý và người dân nên khó phát triển được thị phần, không thể tăng giá khi có biến động chi phí đầu vào. Trong khi đó, cứ đến lúc tôm tăng trưởng mạnh là giá thức ăn lại đồng loạt tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng thêm. Theo tính toán hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã cao hơn Ấn Độ 2 USD/kg.

Do đó cần có khảo sát và so sánh giá thức ăn trong nước với giá ở nước ngoài (cả trong khâu sản xuất lẫn khâu lưu thông qua trung gian) có chênh lệch nhiều không và có hiện tượng bắt tay nâng giá không. Từ đó, có các biện pháp quản lý sao cho giá cả ổn định và đảm bảo yếu tố cạnh tranh cũng như người dân không bị rủi ro khi phải mua thức ăn có chất lượng không tương ứng với chi phí bỏ ra, hoặc phải trả quá nhiều chi phí trung gian. Theo các DN, thức ăn nuôi tôm chiếm tới 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm nên đây là yếu tố quan trọng quyết định đến giá thành.

Hệ thống phân phối thuốc và các loại chế phẩm

Sản lượng tôm tự nuôi của DN chế biến chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 10.000 tấn so với tổng sản lượng 300.000 tấn hiện nay. Quy mô hộ nuôi càng nhỏ, vị trí càng xa thì số lượng đầu mối trung gian cung cấp càng nhiều và chi phí sẽ càng cao. Nghề nuôi tôm thẻ hiện nay có thuận lợi là nuôi công nghiệp thành khu với diện tích khác nhau.

Do vậy, cần có nghiên cứu điều tra chi tiết cấu trúc nghề nuôi gắn liền với các tầng trung gian trong cung cấp thuốc và các loại chế phẩm. Từ đó có các biện pháp quy hoạch, tổ chức lại các khâu trung gian hợp lý để giảm thiểu tác động của các khâu trung gian lên giá thành. Thí dụ khâu thuốc thú y, chế phẩm hoặc thậm chí bán lẻ thức ăn có thể tổ chức bắt buộc các công ty, đại lý cung cấp phải có cửa hàng tại bờ ao trong bán kính thuận tiện để người nuôi giao dịch, tùy theo quy mô diện tích nuôi mà quy hoạch số lượng cửa hàng vừa đủ. Các cửa hàng này cần áp dụng tương tự hình thức “pharmacy” tức là phải có “dược sĩ” đứng tên, có niêm yết giá, lưu giữ các ghi chép về việc lưu hành các loại thuốc thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Cơ quan quản lý địa phương thường xuyên theo dõi hoạt động và sự tuân thủ để xử lý kịp thời các tình trạng hàng không nguồn gốc, hàng cấm, đầu cơ, tạo khan hiếm để trục lợi. Với cách tổ chức bắt buộc tại ao, người dân sẽ không phải qua khâu trung gian, mua được giá tốt, trong khi có thể khiếu nại nếu hàng không bảo đảm chất lượng. Cơ quan nhà nước cũng nắm được thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, sử dụng hóa chất kháng sinh.

Tâm lý và nhận thức của người nuôi

Đa số người nuôi hiện nay không bán trực tiếp cho nhà máy nên thông tin giá cả họ chỉ quan tâm khi chuẩn bị thu hoạch và cũng chỉ nhận thông tin qua thương lái thu gom.

Trong khi đó giá cả tôm thay đổi thường xuyên, nhiều yếu tố tác động, người nuôi không có được biện pháp để tối ưu hóa chi phí nuôi (giá thành). Nhiều trường hợp thiếu vốn họ chấp nhận mua nợ nên cũng không thể đàm phán tỷ lệ chiết khấu hoặc rất dễ dãi chấp nhận mức chiết khấu cao của đại lý do thông tin mùa trước giá tôm ở mức cao dẫn đến tình trạng không kiểm soát giá thành nuôi. Chưa kể để chia sẻ rủi ro các đại lý có thể tính mức chiết khấu cao cho an toàn mà không quan tâm đến giá thành của người nuôi.

Do vậy cần thiết lập các cơ chế để giúp người nuôi có thể thỏa thuận một cách sòng phẳng, tránh được những rủi ro khi mua hàng của các đại lý và đặc biệt họ có thể tối ưu hóa giá thành trong nuôi tôm.

Giảm giá thành là tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, là yếu tố chính để tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Vì vậy, việc xem xét và cải thiện 4 yếu tố trên để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam là thực sự cần thiết khi mà các nước sản xuất khác đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu thức ăn, con giống.

Theo Kim Thu, CASEP, 02/06/2015

Ý kiến của bạn