Mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel theo hướng an toàn đạt hiệu quả cao

Đó là kết quả được đánh giá tại Hội thảo mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel với các loài cá truyền thống khác (cá rô phi là chính) theo hướng an toàn diễn ra ngày 23 tháng 10 năm 2014, tại xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương.

Đây là mô hình thuộc “Chương trình phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”.

Năm 2014, mô hình được triển khai tại các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang và thị xã Chí Linh với quy mô 13ha, có 34 hộ tham gia, thực hiện theo công thức nuôi ghép (tính cho 1ha): cá rô phi (20.000con), cá mè (500con), cá chép (1.000con) và cá trắm cỏ (1.000con).

Khi tham gia mô hình các hộ trong vùng triển khai mô hình được tham gia tập huấn về mục tiêu, nội dung và mức hưởng lợi từ mô hình; quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu chuẩn bị ao ương đến thời điểm thu hoạch thích hợp. Trước khi nhập giống, các hộ nuôi được các bộ kỹ thuật hướng dẫn và giám sát quá trình xử lý đáy ao (tát cạn, phơi ao xử lý bằng vôi bột, lọc và đưa nước vào ao…).

Theo đánh giá kết quả tại hội thảo, cá khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, cá bị mắc bệnh duy nhất 1 lần tại 2 hộ của mô hình (ở 2 điểm huyện Chí Linh và Tứ Kỳ, nguyên nhân do không chủ động được nguồn nước nên nước bị ô nhiễm), nhờ được phát hiện và chỉ đạo điều trị kịp thời nên sau 5 ngày cá đã khỏe mạnh, cá có tỷ lệ đồng đều cao, trọng lượng đạt trên 0,7kg/1con (nhập giống ngày 27-29/4/2014, trọng lượng 400con/kg).

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế tại thời điểm Hội thảo, 1 ha mô hình cho tổng thu 575 triệu đồng, trừ các khoản chi phí và công lao động cho lợi nhuận 118,312 triệu đồng/ha.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bột – Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: “Mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel theo hướng an toàn một lần nữa đã khẳng định được tính ưu việt, phù hợp với điều kiện của huyện Tứ Kỳ nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung. Trong quá trình theo dõi và mở rộng sản xuất cho thấy cá rô phi lai xa dòng Isarel cho chất lượng thịt thơm ngon, giống lại không sử dụng hóc môn chuyển giới tính vào sản xuất nên rất an toàn cho người sử dụng, mô hình cho hiệu quả kinh tế mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Đồng thời, mô hình cũng nâng cao nhận thức, trình độ dân trí. Đó là những kết quả không nhỏ góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Theo Trần Cảnh, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, 28/10/2014

Ý kiến của bạn