Nhiều lo ngại cho xuất khẩu cá ngừ

Được coi là nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng thời gian gần đây, xuất khẩu cá ngừ đang cho thấy sụt giảm dù các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2012 đến nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã cho thấy nhiều yếu tố khó khăn về nguồn nguyên liệu, thuế nhập khẩu và thị trường.

Qua 5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, tăng 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ, đạt hơn 203,8 triệu USD.

Thực tế, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và ASEAN từ cuối năm ngoái tới nay vẫn đang rất ảm đạm. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ và ASEAN vẫn tiếp tục giảm qua các tháng. Còn tại thị trường Nhật Bản, giá trị xuất khẩu cá ngừ qua từng tháng đầu năm đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm, nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn giảm hơn 60% so với 5 tháng năm 2013.

Thị trường EU sau 5 tháng cũng có tốc độ tăng trưởng ở mức rất thấp, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này khiến cho triển vọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam từ giờ tới cuối năm thực sự đáng lo ngại.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký VASEP- cho hay, các nước nhập khẩu đang có xu hướng thắt chặt các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm soát biên giới. Đơn cử như Mỹ đã có hệ thống điện tử cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ bị phát hiện vi phạm ATTP, khi đó các DN sẽ bị liệt vào “danh sách đỏ” (tức là không được phép đưa hàng vào Mỹ). Còn tại EU, nhất là Đức và Italia, sau các vụ gian lận thương mại các nước này đã tiến hành kiểm tra DNA nhiều lô hàng cá ngừ để xác minh loài cá này như là một biện pháp tăng cường kiểm soát về gian lận thương mại thời gian gần đây.

Các thị trường khác như Nhật Bản, dù có các thoả thuận thương mại song phương nhưng cá ngừ của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn và bất lợi hơn các nước cạnh tranh như Thái Lan và Philippines. Tại Canada, thuế suất cá ngừ trung bình vẫn là 8% trong khi nhiều nước Châu Phi khi xuất khẩu vào Canada được hưởng 0%.

Bên cạnh yếu tố thị trường, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước. Việt Nam vốn là nước có trữ lượng lớn về cá ngừ đại dương nhưng đây là loài di cư xa, tốc độ di chuyển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên để khai thác được cá ngừ đại dương, cần phải có trình độ khoa học công nghệ nhất định mới có thể khai thác hiệu quả. Ở Việt Nam, tàu thuyền, ngư lưới cụ và công nghệ khai thác còn hạn chế và điều này đã làm cho sản lượng khai thác ở mức thấp và không bền vững.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng đang bị giảm năng lực cạnh tranh đáng kể do thuế nhập khẩu nguyên liệu cao. Hiện với lượng nguyên liệu cá ngừ các loại cần nhập khẩu cho sản xuất xuất khẩu tới hơn 50%, thì chính sách áp dụng thuế nhập khẩu cao cho cá ngừ từ 10-24% đang tiếp tục tạo khó khăn và sức ép về tài chính cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, các nước có sản phẩm cá ngừ xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đang có được các điều kiện thuận lợi. Philippines hiện đang tích cực đàm phán và có những dấu hiệu khả quan trong việc đưa thuế nhập khẩu cá ngừ sang EU về 0%. Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, hiện chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ 13% thuế VAT cho các nhà sản xuất khi mua nguyên liệu từ nông-ngư dân.

“Các hiệp định thương mại tự do với EU và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn tạo ra những cơ hội tốt hơn với thị trường xuất khẩu. Dù vậy, để có hướng đi bền vững trong dài hạn, nhà sản xuất xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để tự nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng hàm lượng công nghệ cao cho sản phẩm cá ngừ xuất khẩu”, ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Theo Báo Công thương

Ý kiến của bạn