Những lưu ý khi nuôi ghép cá rô phi với tôm sú

Với mô hình nuôi ghép tôm – cá rô phi, các ao nuôi có khả năng chống lại dịch bệnh, môi trường ao nuôi ổn định, năng suất nuôi tôm tăng lên, và đặt biệt là khả năng hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi tôm, giảm sự phát triển của Vibrio trong nước.

Hiện nay xu hướng nuôi tôm thâm canh hóa để tăng tối đa thu nhập hay đa dạng hóa các đối tượng nuôi nhằm phòng ngừa rủi ro là 2 xu hướng chung của người nuôi tôm, trong đó nhiều mô hình nuôi ghép các rô phi với tôm nước lợ đang trở nên phổ biến. Với mô hình nuôi ghép này các ao nuôi có khả năng chống lại dịch bệnh, môi trường ao nuôi ổn định, năng suất nuôi tôm tăng lên, và đặt biệt là khả năng hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi tôm, giảm sự phát triển của Vibrio trong nước. Cá rô phi là loài dễ nuôi, ăn chủ yếu thực vật, có khả năng kiểm soát cá loài tảo sợi, tạo môi trường ổn định trong ao tôm.

Khả năng thích nghi môi trường của cá rô phi

Cá rô phi là loài cá rộng muối có thể sống trong nước ngọt, lợ, mặn. Nhiều loài cá rô phi lại có khả năng chịu được khoảng độ mặn rất rộng. Tính thích nghi độ mặn của cá rô phi khác biệt rất lớn giữa các loài khác nhau. Trong khi loài Oreochromis niloticus không thể chịu được độ mặn lớn hơn 25‰. Tại Thái Lan mô hình nuôi kết hợp cá rô phi và tôm sú được thực hiện trong khoảng độ mặn từ 0–30‰ và các loài cá thường nuôi là cá rô phi đỏ (O. spp.), rô phi sọc (O. niloticus) và rô phi đen (O. mossambicus). Cá rô phi đen là loài nuôi thích hợp trong những vùng ven biển có độ mặn cao (đến 30‰) trong khi cá rô phi sọc thường được nuôi trong những vùng sâu trong nội địa có độ mặn thấp.

Thức ăn của cá rô phi

Các rô phi thường được xem là cá ăn lọc do khả năng lọc tảo trong nước rất hiệu quả. Trong tự nhiên, cá rô phi cũng là loài ăn tạp, thức ăn trong nước bao gồm những tảo đơn bào, tảo sợi, rong cỏ, động vật nhỏ và cả mùn bã hữu cơ. Tính ăn mồi động vật của cá rô phi tích cực ở giai đoạn cá con, giai đoạn 1-9 cm cá ăn mồi sống rất mạnh. Tuy nhiên khi cá lớn, chúng chuyển sang chủ yếu ăn thực vật (rong, tảo) giảm bắt mồi động vật. Cách thức ăn lọc của cá rô phi hoàn toàn khác với các loài cá ăn lọc khác do mang của cá rô phi tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lửng tạo thành các cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, vật chất hữu cơ và được cá nuốt vào thực quản. Cơ chế này có thể giúp cá bắt được những tế bào tảo nhỏ đến 5m. Cá rô phi đen Oreochromis mossambicus lọc tảo kém hiệu quả hơn các loài cá rô phi Đài Loan, O. niloticus và cá rô phi xanh O. Aureus.

Cá rô phi có thể sử dụng, tiêu hóa tốt thức ăn hoàn toàn từ nguồn gốc thực vật, tiêu hoá 30-60% đạm trong tảo và tảo Lam được tiêu hoá tốt hơn tảo Lục. Ngoài ra cá rô phi đặc biệt là loài O. niloticus có thể giúp duy trì quần thể tảo tốt qua khả năng ăn và tiêu hóa các loài tảo Lam (cả tảo đơn bào và tảo sợi) tốt hơn tảo lục.

Môi trường ao nuôi

Trong hệ thống nuôi ghép, tôm và cá rô phi có thể sử dụng các tầng nước khác nhau. Trong hệ thống nuôi quảng canh, cá rô phi có thể lọc thức ăn gồm tảo, động vật phù du và các chất hữu cơ lơ lững (bao gồm cả tập đoàn vi khuẩn sống trên đó) trong tầng nước trên. Trong khi đó tôm sống và kiếm ăn ở tầng đáy. Quá trình ăn lọc tảo và môi trường sống của cá rô phi cũng làm tảo Chlorella phát triển mạnh hơn các loài tảo khác. Tảo Chlorella trong môi trường nước sản sinh ra kháng sinh Chlorellin, chính kháng sinh này có tác dụng ức chế sự phát triển của các loài vi khuẩn khác có trong nước ao nuôi. Trong ao nuôi thâm canh, tuy cá rô phi sẽ ăn thức ăn nhân tạo (cạnh tranh thức ăn của tôm) nhưng thức ăn tự nhiên (tảo, động vật phù du, mùn bã hữu cơ) vẫn chiếm một tỉ lệ quan trọng. Điều quan trọng là cá rô phi có thể ăn thức ăn thừa, chất thải từ tôm làm giảm sự tích tụ chất thải trong ao nuôi.

Các hình thức nuôi kết hợp gồm:

+ Nuôi cá rô phi trực tiếp trong ao tôm: Việc sử dụng cá toàn đực là cần thiết để hạn chế việc sinh sản của cá, mật độ thả cá là 1- 2 con/10 m2 với cỡ cá 50-100 g/con và thả khi tôm đạt cỡ 3-6 g/con với mật độ tôm nuôi là 30 – 40 con/m2.

+ Nuôi cá rô phi trong lồng hay đăng quầng lưới trong ao tôm: mật độ cá rô phi 10con/m2 lồng, diện tích lồng khoảng 2% diện tích ao và nên thường xuyên vệ sinh lưới để nước được trao đổi dễ dàng giúp gom chất thải vào khu vực lồng hay đăng quầng.

+ Nuôi cá rô phi trong ao lắng – chứa nước cấp cho ao nuôi tôm: mật độ cá rô phi 4- 5 con/m2; không cho cá ăn trong suốt quá trình nuôi.

+ Hình thức nuôi tôm luân canh với cá rô phi sau khi dịch bệnh xảy ra. Lý do mà người nuôi tôm áp dụng các mô hình này là nhằm cải thiện chất lượng nước, giảm chất thải, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi và giảm sử dụng thuốc, hoá chất.

Các mô hình nuôi tôm – cá rô phi chỉ có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh trong ao nuôi, còn khả năng trị bệnh đốm trắng hay hội chứng EMS cho ao tôm là rất hạn chế.

Theo Tep Bac

Ý kiến của bạn