Nông dân dẫn nước mặn vào đồng ruộng để nuôi tôm thẻ chân trắng

Một số nông dân ở ĐBSCL đã tìm cách nuôi tôm thẻ chân trắng – loài thuỷ sản chỉ thích hợp với môi trường nước lợ – tại những khu vực đồng ruộng nước ngọt, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng về môi trường sinh thái, theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN -PTNT).

Theo Tổng cục Thủy sản, vào những năm 1990, tại Thái Lan do tôm thẻ chân trắng được giá nên người dân tìm cách nuôi tôm thẻ chân trắng  ở vùng nước ngọt. Hậu quả là gây “mặn hóa” vùng nuôi, đặc biệt là gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và về lâu dài ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác.

Hiện nay, ở ĐBSCL cũng xảy ra tình trạng tương tự, nông dân tự phát dẫn nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt do giá tôm thẻ chân trắng trong thời gian gần đây luôn cao hơn giá tôm sú trong khi chỉ cần nuôi khoảng 2 tháng là đã có thể thu hoạch được.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 3, giá tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng là 110.000 đồng/kg (loại 100 con), còn tôm sú cùng loại chỉ có 100.000 đồng/kg. Mức giá này duy trì suốt nhiều tháng trong năm 2013 lẫn những tháng đầu năm 2014 trước khi rớt giá vào đầu tháng 5. Hiện giá tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng ở mức 80.000 đồng/kg (loại 100 con), còn tôm sú vẫn giữ mức 100.000 đồng/kg.

Một đợt khảo sát của Tổng cục Thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL vừa qua cho thấy tôm thẻ chân trắng nuôi ở vùng nước ngọt có năng suất và chất lượng thấp hơn so với nuôi ở vùng nước lợ và việc nuôi trái tự nhiên này tạo ra nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh trên tôm bùng phát mạnh trong những năm qua như bệnh chết sớm trên tôm, bênh gan thận mủ.

Vì thế, Bộ NN – PTNT khẳng định bộ không có chủ trương cho nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt. Còn đối với những hộ dân đã nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt phải cam kết bảo vệ môi trường và sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại và không mở rộng diện tích nuôi mới.

Theo TBKTSG Online

Ý kiến của bạn