Nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà (Yên Bái) có diện tích hơn 23.000 ha, diện tích mặt nước 19.000 ha. Ngoài việc tích nước cho việc phát điện, hồ Thác Bà còn có khả năng phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Mấy chục năm qua người dân chủ yếu đánh bắt tự nhiên và nuôi cá lồng nhỏ lẻ, việc nuôi cá quây lưới với diện tích lớn chưa phát triển. Nhằm phát huy tiềm năng của vùng hồ, lần đầu tiên huyện Yên Bình triển khai mô hình quây lưới…

Theo số liệu đã được công bố, thuỷ điện Thác Bà được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoàn thành năm 1970. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất xây dựng trên sông Chảy gần như nằm trọn trong huyện Yên Bình, diện tích mặt nước ổn định có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khoảng 13.000 – 15.000 ha và hàng trăm ngách hồ do 1.300 hòn đảo và bán đảo tạo thành.

Với diện tích mặt nước như vậy, hồ Thác Bà có tiềm năng rất lớn cho việc nuôi trồng thuỷ sản, cung cấp một lượng cá nước ngọt khổng lồ cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, từ mấy chục năm nay người dân xung quanh vùng hồ chủ yếu đánh bắt tự nhiên, một số ít hộ nuôi cá lồng.

Do việc đánh bắt bằng nhiều loại ngư cụ, nhất là vó đèn, một kiểu đánh bắt tận diệt đã làm suy giảm rất nhanh lượng cá trên hồ, buộc tỉnh Yên Bái phải ra tay dẹp bỏ. Hàng trăm hộ gia đình đã xây dựng các bè cá lồng nuôi thả trên hồ, nhưng số lượng lồng cá không đáng là bao so với diện tích mặt hồ vẫn còn bỏ hoang.

08-58-11_1
Ngách hồ quây lưới thả cá

Một số hộ tận dụng các ngách hồ giăng lưới nuôi cá, nhưng với số lượng rất nhỏ, năng suất thấp. Năm 2014 Phòng NN-PTNT huyện Yên Bình triển khai dự án khoa học “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà” bằng nguồn vốn khoa học sự nghiệp của tỉnh Yên Bái và các nguồn vốn khác trong đó có sự đóng góp của người dân tại thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng.

Ông Lê Tiền Phương, người có kinh nghiệm và thâm niên nuôi cá lồng bè trên hồ Thác Bà ký hợp đồng với Phòng NN-PTNT tham gia dự án với số vốn là 30% dùng mua giống cá, mua thức ăn tinh, trồng cỏ và công lao động…

Ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT Yên Bình:

“Sau khi khảo sát, nhiều xã nằm cạnh hồ Thác Bà có đủ điều kiện để nuôi cá theo phương pháp quây lưới trong các ngách hồ. Với diện tích từ 200 – 500 ha đây là một tiềm năng rất lớn mà Yên Bình chưa khai thác hết. Xây dựng mô hình nuôi cá quây lưới không chỉ hướng cho người dân vào SX hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút các hộ và các doanh nghiệp đầu tư vào vùng hồ Thác Bà nhằm đẩy mạnh nghề nuôi trồng thuỷ sản…”.

Diện tích được chọn xây dựng mô hình là 2,2 ha ở cốt nước 58 m, 0,85 ha ở cốt 46 m, đảm bảo cho việc nuôi cá khi mực nước hồ Thác Bà xuống thấp nhất trong mùa khô. Địa điểm triển khai dự án đảm bảo 3 yếu tố: Không cản trở giao thông đường thuỷ; không làm biến dạng mặt nước hồ; không gây ô nhiễm môi trường.

Lưới làm đăng chắn là loại tốt có tuổi thọ 8 năm, được chôn dưới đáy hồ giữa hai hẻm đồi, chiều cao lưới 22 m, mắt lưới 2 cm, được ghim vào các thùng phi nhựa 220 lít, cứ 4 m thì có một phao. Các phao lưới được liên kết với nhau bằng dây dù có độ bền cao, chống chịu được gió bão và giữ cho các phao lưới lên xuống khi mực nước hồ dâng lên hay xuống theo từng mùa.

Ngoài lượng cá tự nhiên trong hồ có 5 loại cá đã được thả: Trắm cỏ 1.275 kg, chiếm 50%, trôi Ấn Độ 127,5 kg, chiếm 15%, chép lai 127,5 chiếm 15%, rô phi đơn tính 127,5, chiếm 15%, mè trắng 42 kg, chiếm 5%.

Theo bà Phùng Thị Hồng, chủ nhiệm dự án: “Trong quá trình nuôi nếu cá không bị dịch bệnh thì hiệu quả kinh tế rất cao. Với diện tích 2,2 ha chúng tôi dự kiến thu hoạch khoảng 10 – 11 tấn, giá trung bình 40.000 đ/kg, một năm thu trên 450 triệu đồng. Trừ chi phí, công lao động và khấu hao còn được lãi 87 triệu đồng/ha”.

08-58-11_3
Bà Phùng Thị Hồng trao đổi kỹ thuật nuôi cá với ông Lê Tiên Phương

Việc nuôi cá bán tự nhiên bằng phương pháp quây lưới ở ngách hồ nhằm tận dụng mặt nước cũng như nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào của hồ Thác Bà có ứng dụng các tiến bộ khoa học không chỉ tăng hệ số sử dụng mặt nước, tạo ra nghề nuôi trồng thuỷ sản mới mà còn nâng cao sản lượng cá cung cấp cho thị trường.

Ông Lê Tiền Phương cho biết: “Kể từ khi tham gia dự án đến nay, gia đình tôi đã đóng góp gần 70 triệu đồng bằng tiền mua cá giống, công lao động và thức ăn tinh. Do nguồn nước hồ luôn được lưu thông, lại sinh sống trong môi trường rộng hơn so với nuôi cá trong lồng nên cá lớn rất nhanh, mỗi ngày nhìn đàn cá một khác…”.

Theo Thái Sinh, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 12/09/2014

Ý kiến của bạn