Nuôi cua thương phẩm dưới tán rừng ngập mặn

Xã Phù Long có trên 700 ha rừng ngập mặn và rừng phòng hộ với 32 loài cây các loại như Phi lao, sú, vẹt, mắm…đây được coi là nơi có diện tích rừng ngập mặn có tác dụng phòng hộ, bảo vệ môi trường rất tốt. Đây còn là hệ sinh thái có tác dụng quan trọng trong việc hạn chế và bảo vệ sự xâm nhập mặn, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ động thực vật ven biển của khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là môi trường sống, ngụ cư sinh sản của các loài hải sản. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là diện tích rừng của xã ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, và đặc biệt là nhiều năm trước người dân địa phương chặt phá rừng đắp đê bao để làm đầm nuôi truồng thủy sản. Trong quá trình nuôi Tôm người dân đã chặt tỉa rừng ngập mặn, có chỗ chặt hết diện tích rừng để làm đầm nuôi. Nhiều hộ dân giữ nước lâu ngày trong đầm làm cho cây bị chết.

Xuất phát từ chủ trương chỉ đạo của UBND thành phố và huyện về việc bảo tồn đa dạng sinh học khu DTSQ quần đảo Cát Bà, bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu rừng ngập mặn và đảm bảo phát triển sinh kế cho người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Phù Long, Phòng NN&PTTN, Trạm khuyến ngư nông nghiệp huyện đã đề xuất mô hình “nuôi thử nghiệm cua thương phẩm dưới tán rừng ngập mặn trong điều kiện không có đê bao”. Mục đích của mô hình này là thí điểm phát triển kinh tế thủy sản bền vững gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Mô hình được triển khai từ tháng 8/2014. Sau khi khảo sát, lựa chọn, các cán bộ thực hiện mô hình đã lựa chọn vụng Trang – Đồng Công của xã Phù Long để nuôi thả. Theo ông Phạm Vĩnh Toàn – Phó phòng NN&PTNT, Trưởng Trạm khuyến ngư nông nghiệp huyện thì việc nuôi Cua dưới tán rừng ngập mặn trong điều kiện không có đê bao không cần đầu tư lớn. Về khu nuôi thả chỉ yêu cầu là nơi có rừng ngập mặn và khi thủy triều lên được ngập bãi. Bãi nuôi đảm bảo nước lưu thông sạch sẽ và không cần cải tạo, sau đó dùng cọc tre, lưới mắt nhỏ khoang vùng là được.

Sáng ngày 29/10 tổ công tác thực hiện mô hình đã tiếp nhận 2.500 con giống cua từ trại giống Tân Thành về thả. Con giống đã được cán cán bộ lựa chọn đồng đều, khỏe mạnh và không mang mầm bệnh.

Theo kế hoạch đến tháng 1/2015 mô hình “nuôi thử nghiệm cua thương phẩm dưới tán rừng ngập mặn trong điều kiện không có đê bao” sẽ được nghiệm thu, nếu thành công Trạm khuyến ngư sẽ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và cung cấp con giống cho bà con nhân dân xã Phù Long để đưa vào nuôi thả. Mô hình thành công sẽ là một hướng đi mới cho những người dân nuôi trồng thủy sản đầm hồ trong khu rừng ngập mặn, nó vừa giúp cho nhân dân phát triển kinh tế gia đình mà không tốn nhiều chi phí cho việc đào đắp đê bao, đồng thời vừa bảo vệ được diện tích rừng ngập mặn góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

Theo Hoàng Tản, Ủy Ban Nhân Dân Huyện Cát Hải, 12/11/2014

Ý kiến của bạn