Nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ mang hiệu quả gấp đôi

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện thí điểm phương án thuê khoán quản lý bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ tại huyện Phú Tân. Hiện mô hình này đang phát huy hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho người dân vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng địa phương. Đến nay, 65 hộ dân được thuê khoán đất rừng đã có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ mô hình trên.

Ông Nguyễn Văn Công ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân được nhà nước giao khoán 3ha đất rừng phòng hộ biển Tây để thực hiện mô hình nuôi ốc len sinh thái dưới tán rừng. Địa phương đã tạo điều kiện cho ông vay vốn ngân hàng để đầu tư mua 4,8 tấn ốc giống và lưới mành bao quanh khu vực nuôi ốc len. Thông thường mỗi năm có thể nuôi 2 vụ ốc len, nhưng do phụ thuộc vào con giống nên ông Công chỉ nuôi một vụ ốc kéo dài từ 5-6 tháng mới thu hoạch ốc thương phẩm. Hiện tại, giá ốc thương phẩm dao động từ 45.000-50.000đồng/kg. Gia đình ông vừa thu thu hoạch xong vụ ốc len, trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Ông Công chia sẻ, nuôi ốc len không tốn kém tiền mua thức ăn, vì ốc sinh trưởng dựa vào thiên thiên. Điều thú vị là khi thủy triểu dâng cao, ốc len bò lên thân cây, lá cây rừng để trú ngụ. Còn khi thủy triều xuống là thời điểm ốc len di chuyển từ trên cây xuống bãi sình lầy tìm kiếm thức ăn. Muốn ốc len tăng trưởng nhanh về trọng lượng thì người nuôi phải am hiểu một số kỹ thuật cần thiết. Điều quan trọng, không nên thả nuôi ốc với mật độ dày đặc sẽ làm cho ốc chậm lớn, thịt ăn không ngon, giá ốc cũng giảm theo. Nuôi ốc len sinh thái ít tốn công chăm sóc, mà chủ yếu đầu tư vốn mua con giống. Người dân có thể mua con giống tại tỉnh, không cần phải tìm mua ở xa.

Hộ ông Trương Văn Hồng cùng ở thị trấn Cái Đôi Vàm đầu tư vốn nuôi 3,3 tấn ốc giống trên diện tích rừng thuê khoán là 3ha. Sau vụ nuôi ốc len đầu tiên, gia đình ông thu được lãi gần 80 triệu đồng. Ông Hồng cho biết: tùy thuộc vào việc thả số lượng con giống nhiều hay ít mà mỗi hộ dân sẽ có nguồn thu nhập khác nhau, có hộ thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/vụ nuôi. Ngoài ra, các hộ dân cũng có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác ba khía dưới tán rừng.

Sau một năm thuê khoán đất rừng phòng hộ nuôi ốc len, cuộc sống gia đình ông Mai Văn Thương ở thị trấn Cái Đôi Vàm đã vươn lên khấm khá. Với diện tích rừng phòng hộ thuê khoán 3ha, ông Thương thả 2,8 tấn ốc giống mật độ thưa. Thu hoạch vụ nuôi ốc len vừa rồi, gia đình ông có thu nhập hơn 60 triệu đồng. Ông Thương bộc bạch: chủ trương của tỉnh giao khoán đất rừng cho dân nghèo là rất hợp lòng dân, tạo cơ hội cho người dân ở khu vực rừng phòng hộ có được việc làm phù hợp, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.

Từ khi tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm phương án thuê khoán đất rừng phòng hộ nuôi ốc len kết hợp với giữ rừng, nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư ở khu vực rừng phòng hộ biển Tây và khu vực rừng phòng hộ Sào Lưới được chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm, từng bước ổn định cuộc sống. Giờ đây, các hộ dân này đã trở thành những thành viên đắc lực trong việc tham gia bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm bớt đi phần nào lo toan vất vả do ngày đêm phải túc trực canh ‘’lâm tặc’’ và người dân nghèo lén lút vào rừng khai thác gỗ.

Ông Võ Trường Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân khẳng định: Qua tổng kết cho thấy, mô hình nuôi ốc len sinh thái dưới tán rừng phòng hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình kép: vừa giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho các hộ dân nghèo ở khu vực tái định cư, vừa góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Phú Tân. Năm 2014-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã cho phép huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này, với diện tích rừng phòng hộ cho dân thuê khoán lên đến hơn 200ha. Ông Giang cho biết: Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tổ chức chọn lựa đối tượng để ký hợp đồng thỏa thuận cho thuê khoán rừng nuôi ốc len, mỗi hộ chỉ được thuê không quá 3ha để quản lý chặt chẽ. Mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ ở Cà Mau cũng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước quan tâm.

Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên Lâm nghiệp Tây Nam Bộ: Mặc dù lợi nhuận từ nuôi ốc len thấp hơn so với nuôi tôm sú nhưng quan trọng là phù hợp với hệ sinh thái rừng ngập mặn và không gây ô nhiễm môi trường. Nuôi ốc len sẽ góp phần giảm nghèo và đa dạng hóa đối tượng nuôi ở khu vực rừng ngập mặn đúng vào mục đích bảo tồn sinh quyển và phòng hộ. Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích rừng phòng hộ rất lớn, trong khi đời sống nhiều hộ dân ở khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là người nghèo là đối tượng trực tiếp khai thác nguồn lợi thủy sản từ khu vực giới hạn hoạt động theo chiều tiêu cực lên hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nếu như như địa phương nhân rộng mô hình nuôi này ra diện rộng thì sẽ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa nhanh chóng cải thiện kinh tế hộ gia đình gắn với công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ngập mặn ở vùng đất Mũi Cà Mau.

Theo Kim Há, Cổng thông tin về môi trường Việt Nam, 25/10/2014

Một bình luận trong “Nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ mang hiệu quả gấp đôi”

Trả lời phản hồi cho Nguyen Thanh Hủy