Nuôi tôm… chờ mặn

Sắp đến lịch thả giống, các hồ tôm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước, Bình Định) đã hoàn tất việc cải tạo, tuy nhiên do độ mặn của nguồn nước chưa bảo đảm nên người nuôi đang thấp thỏm chờ…mặn.

Nước bị ngọt hóa

Nếu như huyện Tuy Phước được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi tôm của tỉnh Bình Định với hơn 1.000 ha thì xã Phước Hòa được xem là vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Tuy Phước với 327 ha ao nuôi, tập trung ở các thôn Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc, Tân Giảng và Kim Đông.

Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, trong số 327 ha diện tích nuôi tôm chỉ có 15 ha tại thôn Kim Đông là được đầu tư bài bản để nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, số diện tích còn lại nuôi tôm sú theo phương pháp quảng canh cải tiến xen cua, cá.

Theo lịch thời vụ do Sở NN-PTNT ban hành, vùng nuôi tôm ở xã Phước Hòa bắt đầu xuống giống từ 1/4. Người nuôi tôm đã hoàn tất việc cải tạo hồ nuôi, nhưng do nguồn nước bị ngọt hóa nên ao hồ vẫn án binh bất động, chờ mặn.

Ông Huỳnh Anh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: “Nguồn nước nuôi tôm ở Phước Hòa đang bị ngọt hóa do nguồn nước từ đầm Thị Nại tràn vào, độ mặn không bảo đảm cho việc nuôi tôm nên người nuôi ở đây đang thấp thỏm lo, nếu đến lịch thả giống mà nước vẫn chưa đủ độ mặn thì đành phải trễ lịch thời vụ. Nếu thả giống trễ lịch thời vụ thì nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên tôm rất cao nên bà con đang rất lo lắng.

Hiện trên địa bàn xã chỉ có khoảng vài chục ha hồ nuôi được đầu tư bờ bao kỹ lưỡng đã “dự trữ” được nước mặn cách đây cả tháng, độ mặn nước trong ao đảm bảo cho việc thả giống đúng lịch thời vụ. Số lớn diện tích còn lại không có bờ bao, bị nước ngọt xâm nhập thường xuyên thì đang “nín thở” chờ mặn”.

Ông Trần Tiến Long (56 tuổi), người có hơn 10 năm nuôi tôm, hiện đang nuôi bán thâm canh 1 ha tôm thẻ chân trắng tại thôn Kim Đông than thở: “Đã chạm lịch thời vụ thả giống rồi mà nguồn nước nuôi phần thì bị gió nồm đưa nước ngọt từ đầm Thị Nại tràn vào, phần bị nước ngọt từ thượng nguồn xâm nhập nên độ mặn trong ao giờ chỉ mới đạt 1 phần nghìn, không đảm bảo để thả giống. Muốn an toàn, độ mặn thấp nhất của nguồn nước nuôi phải đạt từ 5 – 6 phần nghìn”.


Người nuôi tôm ở Phước Hòa liên tục thăm dò độ mặn của nguồn nước để thả tôm.

Theo ông Long, nguồn nước nuôi ở đây không những bị nhiễm ngọt do nước từ đầm Thị Nại tràn vào mà còn bị nước ngọt từ thượng nguồn đổ xuống cung cấp cho SXNN, theo các đập Nha Phu, Kiến Thiết và đập Mối ở xã Cát Chánh xâm nhập vào vùng nuôi tôm làm ngọt hóa nguồn nước nuôi, gây khó cho con tôm.

“Nguồn nước nuôi bị ngọt hóa làm phát sinh tảo lục nhiều, độ kiềm thấp gây bất lợi cho “sức khỏe” của con tôm”, ông Trần Tiến Long, lo lắng cho biết thêm.

Lại sợ thất bại

Trước tình hình bất lợi như đã nói trên, người nuôi tôm ở xã Phước Hòa đang âu lo sẽ lại có thêm 1 vụ nuôi thất bại. Chuyện thất bại với con tôm ở địa phương này đã thành chuyện “thường ngày ở huyện”, tuy nhiên, nếu năm được năm mất thì còn “trụ” được, chứ mất mùa liên hoàn thì chỉ có chết theo con tôm.

“Trước tình hình nguồn nước nuôi đang bị ngọt hóa, trước khi thả giống vụ nuôi mới năm 2015, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn để bà con nuôi tôm trên địa bàn nắm rõ các phương pháp xử lý ao nuôi, về chất lượng nước và tôm giống để hạn chế thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Vương, trong 3 năm gần đây, dân nuôi tôm ở Phước Hòa người được thì ít mà người thua thì nhiều, do nguồn nước nuôi ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nước thải ở những vùng SXNN xung quanh xâm nhập vào nguồn nước nuôi.

“Khi đã dính vào con tôm thì dù có thua đến mấy người nuôi cũng không thể quay lưng với nó, bởi chỉ có nuôi tôm mới mong gỡ gạc khoản vốn liếng do con tôm làm mất đi. Do đó, diện tích nuôi tôm trên địa bàn vẫn luôn ổn định ở mức 327 ha. Riêng năm 2014 vừa qua, 2/3 diện tích nuôi tôm ở Phước Hòa bị dính bệnh, thất thu lớn. Những hộ nuôi tôm bán thâm canh thua lỗ càng đậm, vì đầu tư khá cao, đến 100 triệu đồng/ha mà không thu lại được đồng nào”, ông Vương cho biết thêm.

Một trong những trường hợp bi đát nhất ở xã Phước Hòa trong chuyện nuôi tôm là ông Trần Tiến Long ở thôn Kim Đông. Đã trải qua hơn 10 năm nuôi tôm nhưng ông Long chưa có năm nào có thu nhập từ con tôm. Mới năm ngoái, với 1 ha ao nuôi qua 2 vụ nuôi thất bát, thêm 300 triệu đồng của ông Long “không cánh mà bay”.

“Tui đã thế chấp hết nhà cửa, ruộng vườn để đầu tư nuôi tôm nhưng hiện nay vẫn ôm nợ. Bước vào vụ nuôi này, chưa gì mà đã gặp bất lợi về nguồn nước nên vừa làm vừa run”, ông Long bộc bạch.

Số diện tích nuôi tôm ở 2 thôn Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc chiếm gần ½ diện tích nuôi tôm của xã Phước Hòa, theo ông Phan Trọng Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, trong những ngày qua, người nuôi tôm ở đây đang ngày đêm canh nước để thả giống.


Cánh đồng nuôi tôm bán thâm canh ở thôn Kim Đông (Phước Hòa) nằm chờ… mặn để xuống giống.

“Thời gian gần đây trời liên tục đổ nồm, độ mặn trong nước chỉ có 0/1.000 nên bà con không thể thả giống nuôi vụ mới. Họ đang canh ngày canh đêm đợi gió bấc về, độ mặn trong nước được đẩy lên đạt từ 4 – 5 phần nghìn sẽ tranh thủ thả giống”, ông Phú nói.

Trước tình trạng nguồn nước thường xuyên bị ngọt hóa, người nuôi tôm ở 2 thôn Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc đã chọn cho mình phương thức nuôi phù hợp là nuôi quảng canh cải tiến, xen tôm sú với cua, cá. Khi đang nuôi mà nước bị ngọt hóa, tôm sú chậm lớn thì thu tỉa, thả bù, khi ấy các đối tượng cua, cá sẽ là nguồn thu chính.

Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, ông Phan Trọng Phú cho biết thêm: “Hầu hết hơn 160 ha nuôi tôm ở 2 thôn Huỳnh Giản đều nuôi xen, khoản thu nhập khá ít, chỉ 60 – 70 triệu đồng/năm, nhưng ăn chắc hơn nuôi bán thâm canh vì nếu thua thì các chủ hồ thua đậm vì đầu tư nhiều”.

Theo Vũ Đinh Thung, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 31/03/2015

Ý kiến của bạn