Nuôi tôm theo công nghệ hiện đại

Theo chiến lược của ngành thủy sản đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1690/2010/QĐ-TTg ngày 16-9-2010, nuôi tôm nước lợ sẽ là một trong những nhóm đối tượng chủ lực, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, nhằm “nâng tầm cho tôm Việt” trên thị trường thế giới.

Trong thế chân kiềng của ngành thủy sản, gồm tôm, cá tra và hải sản, tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong thời gian qua, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành đi lên.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cộng với phương thức sản xuất lạc hậu, nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Trong khi đó các nước nhập khẩu đã sử dụng hàng rào kỹ thuật về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Không ít lô hàng tôm từng bị nước nhập khẩu trả lại do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc xuất khẩu tôm năm nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm lâm vào cảnh khó khăn.

Trong lúc nhiều địa phương, doanh nghiệp loay hoay tìm cách khắc phục ô nhiễm ao nuôi, nguyên nhân tôm bệnh… thì Công ty cổ phần thủy sản Việt – Úc đã mạnh dạn “đi tắt đón đầu”, đầu tư 180 tỷ đồng để triển khai Chương trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính theo công nghệ hiện đại, tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Với 414 ao nuôi, diện tích mỗi ao 500 m2, mật độ thả giống 200 – 500 con/m2, kết quả bước đầu khá khả quan khi tôm nuôi ít bị dịch bệnh, cho năng suất từ 60 đến 80 tấn/ha/vụ, gấp ba lần cách nuôi thông thường. Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc (Bạc Liêu) Lương Thanh Vân cho biết: Chương trình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính góp phần quan trọng trong thực hiện khát vọng “nâng tầm tôm Việt” của tập đoàn. Qua đó, sẽ cung cấp sản lượng tôm ổn định cho ngành tôm Việt Nam. Đồng thời, giá trị con tôm được nâng lên bởi truy xuất được nguồn gốc, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời chương trình mở ra cơ hội chuyển giao một mô hình nuôi tôm mới đến bà con nông dân, với quy mô nhỏ hơn, góp phần phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần thủy sản Việt – Úc mới được thành lập khoảng năm năm tại Bình Thuận, nhưng nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cung cấp tôm giống chất lượng cao cho thị trường cả nước, nên mạng lưới ngày càng mở rộng, từ Bình Thuận vào Ninh Thuận, ra đến Nghệ An và vươn tới Bạc Liêu, Cà Mau… Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, doanh nghiệp đã cung cấp gần năm tỷ con tôm giống cho các vùng nuôi tôm cả nước, từ Quảng Ninh đến Cà Mau – trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường cả nước.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng cho biết: Bí quyết thành công của Việt – Úc là trong quá trình sản xuất tôm giống đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ cao, hiện đại của thế giới, đáp ứng điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, như công nghệ nhà kính của I-xra-en, cho phép kiểm soát ở mức cao nhất đối với các hiện tượng tiền hậu khí nhà kính, sinh học nhà kính và dịch hại nhà kính. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ, Hà Lan,… vừa bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, tôm tăng trưởng nhanh, không nhiễm vi khuẩn gây bệnh và không có dư lượng các hóa chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng, nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc Lương Thanh Vân chia sẻ: Sau khi triển khai và rút kinh nghiệm từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại Hòa Bình – Bạc Liêu với quy mô 50 ha thành công, dự kiến trong năm nay, công ty triển khai thêm 300 ha nữa và đến năm 2018, đạt diện tích hơn 1.000 ha. Được biết, bên cạnh Tập đoàn Việt – Úc, tại vùng ven biển Bạc Liêu, hiện có Công ty TNHH một thành viên Hải Nguyên, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh cũng đang đầu tư nuôi tôm thẻ thâm canh trong nhà kính, kết quả cho sản phẩm tôm sạch, môi trường nuôi an toàn, giảm rủi ro, đạt năng suất và sản lượng cao.

Việc ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm đã đem lại thành công lớn cho các doanh nghiệp ở Bạc Liêu, nhưng với tổng diện tích nuôi tôm cả nước gần 640 nghìn ha, thì kết quả này chưa thấm vào đâu. Do đó, để nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, sạch bệnh, thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu cũng như các tác động bất ổn từ dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm xuất khẩu, rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và làm chủ công nghệ mới; sửa đổi cơ chế cho vay các gói ưu đãi tín dụng lớn, lãi suất thấp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận khoa học công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến tôm, cũng như xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản tôm của mỗi địa phương.

Theo TRỌNG DUY – LAM NGỌC, Báo Nhân Dân, 11/08/2015

Ý kiến của bạn