Nuôi trồng thủy sản: Những sáng kiến mang dấu ấn khoa học

Ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu thời gian qua ghi nhận nhiều thành công thể hiện ở việc có rất nhiều phát minh, sáng kiến khoa học được áp dụng và mang lại hiệu quả cao, góp phần ổn định an ninh lương thực, tạo điều kiện phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Colombia: Sản xuất tôm kháng bệnh đốm trắng

Hội chứng đốm trắng (WSSV) là bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các bệnh gây ra đối với ngành công nghiệp nuôi tôm toàn cầu. Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Colombia đã khởi xướng chương trình chọn lọc tôm giống có khả năng kháng bệnh đốm trắng WSSV, từ kinh nghiệm trước đây với dòng tôm có khả năng lớn nhanh có khả năng kháng virus gây hội chứng Taura.

Phương pháp là tăng áp lực chọn lọc hàng loạt, dựa trên áp lực sống còn trên các bể với số lượng lớn các cá thể. Họ đã nuôi những con còn sống sót từ những ao nuôi công nghiệp bị nhiễm WSSV, với tốc độ tăng trưởng rất chậm, khi trưởng thành khả năng sinh sản kém, cần cắt mắt để tăng khả năng sinh sản. Những lô tôm sinh sản được từ những tôm mẹ này nhiễm WSSV ở giai đoạn PL40, chết rất nhiều. Áp lực chọn lọc là 1: 10.000. Những con sống sót được giữ lại và được nuôi trưởng thành để sản xuất thế hệ tiếp theo. Sau 5 thế hệ được sản xuất với chương trình này đã tăng được số lượng cá thể có khả năng kháng vi khuẩn WSSV. Những con tôm sống sót khi chạy PCR đều không có kết quả dương tính với WSSV, điều đó cho thấy các cá thể có khả năng kháng nhiễm với virus WSSV.

Mỹ: Hệ thống nuôi vèo trong ao

Đây là hình thức nuôi dần thay thế cho ao nuôi cá da trơn truyền thống ở Đông Nam Mỹ. Bằng cách chia thành những ao nhỏ hơn, khu vực kiểm soát nhiều hơn. Hiện có khoảng 600 ha nuôi thương phẩm đã được nuôi cá tra thương mại theo hình thức này ở Mississippi, Arkansas, Alabama.

Với ưu điểm giảm được chi phí hóa chất điều trị, chủ động phòng bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn. Khâu quản lý cần tập trung phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Trong hệ thống nuôi vèo, quản lý sức khỏe của cá bằng việc định kỳ sử dụng thuốc tím hòa tan xử lý nước trong vèo nuôi nhằm giảm tải trọng hữu cơ. Để điều trị bệnh trong một vèo riêng lẻ người ta dùng một rào cản bằng nhựa, xấp xỉ kích thước của vèo. Việc điều trị bệnh như vậy dễ dàng hơn, ít tốn chi phí so với trị bệnh cả ao nuôi. Theo đó, có thể sản xuất được 16.200 kg/ha, trong khi ao nuôi thâm canh truyền thống với quy trình sản xuất tương tự năng suất đạt 5.000 – 6.000 kg/ha.

Na Uy: Công nghệ nuôi cá hồi siêu công nghiệp

Viện Nghiên cứu Thủy sản ở Na Uy đã nhận được sự tài trợ của Hội đồng nghiên cứu Na Uy cho một dự án nghiên cứu về điều kiện môi trường và sản xuất các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khép kín. Các hệ thống tái chế nước, trái ngược với các hệ thống nước chảy thông thường đòi hỏi phải có một nguồn cung cấp liên tục. Công nghệ tuần hoàn nhanh chóng được ủng hộ tại Na Uy dựa trên những kiến thức về chất lượng nước và điều kiện hoạt động để đáp ứng được đòi hỏi yêu cầu sản xuất cao và điều kiện chăm sóc cá tốt.

Mật độ nuôi cao là điều kiện rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả và lợi nhuận. Họ nuôi thương phẩm cá hồi sử dụng thức ăn công nghiệp với mô hình tuần hoàn khép kín đạt năng suất lên tới 100 kg/m3.

Thái Lan: Công nghệ nuôi tôm không sử dụng thức ăn công nghiệp

Copefloc là mô hình nuôi tôm mới tại Thái Lan. Đây là công nghệ được phát triển dựa trên công nghệ Biofloc và gây nuôi thức ăn tự nhiên cho tôm, để tạo ra các hạt floc và thức ăn tự nhiên làm thức ăn cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Đây là những nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Các chất thải được xử lý ngay trong hệ thống bởi các vi khuẩn dị dưỡng. Vì thế công nhệ nuôi này hoàn toàn không sản sinh ra chất thải. Đồng thời, Ammonia tự do trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối của vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành các hạt Biofloc lơ lửng trong nước. Nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không phải thay nước. Giảm chi phí sử dụng thức ăn, thuốc và hóa chất. Tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh. Có thể đưa tôm cỡ post 10 – 12 trực tiếp vào ao nuôi, mà không cần giai đoạn ương 30 ngày.

Việt Nam: Sản xuất thành công thức ăn tôm hùm và giống thủy sản

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu NTTS của Đại học Nha Trang đã xác định thành phần dinh dưỡng, nhu cầu tiêu thụ, nghiên cứu thành công quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp với nhiều kích thước (đường kính 1,5 – 2 – 2,8 – 3,5 – 5 – 7 – 10 mm; dài 0,5 – 3 cm) phù hợp mọi giai đoạn phát triển tôm hùm. Sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh giải quyết được những hạn chế của việc sử dụng cá tạp, tiết kiệm được 24% chi phí thức ăn và 50% nhân công. Tôm sử dụng thức ăn công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, môi trường được bảo vệ, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh, hạ giá thành tôm hùm thương phẩm.

Ngoài ra, với việc áp dụng vật chất di truyền ở động vật thủy sản, quy luật di truyền, phương pháp phân tích gen làm cơ sở, Viện Nghiên cứu NTTS I đã sản xuất, chọn tạo được những con giống có tính trạng vượt trội, sinh trưởng, phát triển tốt nhất trong điều kiện nuôi ở Việt Nam, như: tôm sú, cá rô phi, tra, hồng, tráp, giò, song; tôm càng xanh…

Bên cạnh những tiềm năng phát triển lớn, những thách thức đặt ra cho ngành nuôi trồng thủy sản thế giới vẫn là quản lý dịch bệnh, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường, ổn định về giá và tăng cường đầu tư.

Theo Nguyễn Nhung , Thủy sản Việt Nam

Ý kiến của bạn