Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản

Trong thời gian qua, ngành thủy sản đã đạt được những bước phát triển quan trọng, góp phần trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động… Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết.

Tốc độ tăng trưởng ngành duy trì ở mức cao

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, ngành thủy sản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,9 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn), góp phần tạo nên tốc độ tăng sản lượng bình quân đạt mức 7,3%/năm thời kỳ 2004 – 2013. Cũng năm 2013, tổng sản phẩm thủy sản (GDP) đạt 131,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3,66% tổng GDP toàn quốc và chiếm 24,91% tổng GDP toàn ngành nông nghiệp. Cơ cấu giữa thủy sản nuôi trồng và thủy sản khai thác thay đổi theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác, từ mức tỷ trọng nuôi trồng chỉ chiếm 38,3% trong tổng sản lượng năm 2004 lên 54,2% năm 2013.

Với nỗ lực không ngừng phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm, thuộc nhóm 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Sản phẩm thủy sản đã có mặt tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó tôm đã có mặt tại 92 thị trường, cá tra 142 thị trường, cá ngừ 90 thị trường).

Bên cạnh đó, thủy sản là ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao về giá trị sản xuất trong khối nông lâm thủy sản. Trong thời kỳ 2004 – 2013, giá trị sản xuất thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 7,2%/năm, cao hơn 1,7 lần tốc độ tăng của ngành nông nghiệp (4,1%/năm) và lâm nghiệp (4,0%/năm). Ngoài ra, ngành đã tạo việc làm cho 4 triệu lao động, trong đó, khoảng 29,55% số lao động tham gia khai thác thủy sản; 40,52% lao động tham gia nuôi trồng thủy sản (NTTS); 19,38% lao động tham gia chế biến thủy sản; 10,55% số lao động còn lại tham gia trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá.

Kiểm soát hóa chất cấm trong NTTS còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại, việc phát triển ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, trong lĩnh vực NTTS , dịch bệnh dù đã được kiểm soát tốt hơn nhưng còn thường xuyên xảy ra, gây rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trên các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá rô phi, ngao.

Hầu hết con giống thủy sản nuôi chủ lực đã chủ động sản xuất trong nước, đảm bảo đủ về số lượng cung cấp cho NTTS, nhưng chất lượng giống tốt, sạch bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp; đàn tôm sú bố mẹ còn phụ thuộc vào tự nhiên, đàn tôm chân trắng bố mẹ còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Sản phẩm NTTS đã đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên, chất lượng chưa ổn định. Việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất bị cấm trong NTTS vẫn chưa được kiểm soát tốt; các sản phẩm nuôi (tôm, cá tra) còn nhiễm kháng sinh, hàm lượng tồn dư cao hơn cho phép còn xảy ra; tỷ lệ các vùng nuôi đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) chưa nhiều dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng thị trường của các sản phẩm NTTS Việt Nam.

Trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, việc khai thác hải sản ven bờ còn quá mức, tiềm năng khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả cao. Tàu cá có đến 99% là tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ; 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ, thiết bị giao thông đường bộ; trang thiết bị bảo quản thô sơ. Do vậy, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, ước tính từ 20-25%. Đồng thời, do chưa đánh giá đầy đủ nguồn lợi hải sản dẫn đến hạn chế trong đề xuất các chính sách quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hạn chế trong dự báo ngư trường hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản hiệu quả.

Khai thác hải sản với thời tiết trên biển khắc nghiệt, vấn đề an ninh trên biển ngày càng phức tạp, trong khi điều kiện hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão thấp kém. Hệ thống đăng ký, đăng kiểm tàu cá còn sơ khai; hệ thống thông tin tàu cá chưa được hoàn thiện, tàu khai thác hải sản hoạt động riêng lẻ trên biển chưa là các thành viên của các tổ đội còn nhiều. Các hạn chế này dẫn đến rủi ro đối với ngư dân khai thác hải sản còn rất cao.

Thêm vào đó, với hơn 1 triệu lao động khai thác hải sản nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, hầu hết chưa qua đào tạo nghề. Số thuyền trưởng và máy trưởng đã được đào tạo và tập huấn chưa nhiều, đến hết năm 2014, chỉ có khoảng 30% tổng số thuyền trưởng, máy trưởng đã được đào tạo.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến dạng phile đông lạnh và sơ chế chiếm tỷ lệ lớn; tỷ lệ các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng còn thấp. Chất lượng hàng chế biến thủy sản nhìn chung đáp ứng nhu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm của thị trường trong và ngoài nước tuy nhiên chất lượng không ổn định, còn có các lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của thủy sản Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng còn hạn chế

Theo Tổng cục Thủy sản, những tồn tại và hạn chế của ngành nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự gia tăng quá nhanh và kiểm soát không hiệu quả các loại tàu thuyền ven bờ đã làm cho nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Thiếu các quy hoạch chi tiết, điều tra nguồn lợi hải sản chưa được quan tâm đúng mức, do vậy thiếu cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển các đội tàu, các nghề khai thác phù hợp với từng vùng biển, địa phương trên cả nước.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành thủy sản còn hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn dành cho thủy sản còn thấp. Từ năm 2011 – 2014, tổng vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho đầu tư cảng cá khoảng 204 tỷ đồng, đạt gần 4% so với nhu cầu (6.229 tỷ đồng) quy hoạch đến 2015. Đến nay, cả nước có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, đạt khoảng 39,3% số cảng theo quy hoạch. Đồng thời, hệ thống cấp thoát nước cho NTTS đang phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủy lợi dùng chung cho sản xuất nông nghiệp, thiếu hệ thống điện, giao thông đồng bộ cho các vùng nuôi tập trung. Thiếu hệ thống khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định để đánh giá, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong NTTS, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về năng lực sản xuất con giống, việc đầu tư cho nghiên cứu để sản xuất giống bố mẹ, giống sạch bệnh còn hạn chế nên chưa chủ động được số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất. Thiếu hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung.

Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường chưa hoàn thiện, hệ thống thú y thủy sản chưa đủ mạnh nên còn hạn chế trong khả năng triển khai phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi trồng.

Công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy chuẩn tiêu chuẩn tập trung nhiều ở khu vực chế biến xuất khẩu, chưa thực hiện tốt ở khu vực sản xuất nguyên liệu (nuôi trồng, khai thác) và bảo quản sau thu hoạch.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác thủy sản

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, báo cáo đề xuất “Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016 – 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực.

Trong đó, ban hành thí điểm chính sách giao cho thuê hạ tầng sản xuất thủy sản (cảng cá, khu neo đậu, vùng sản xuất giống tập trung, các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa,…) được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước; ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nạo vét, duy tu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão không sử dụng ngân sách Nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức sản xuất theo chuỗi tại các vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung.

Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu ứng dụng các công nghệ và thiết bị bảo quản trên tàu phù hợp với từng loại nghề, từng loại đối tượng khai thác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả khai thác. Nghiên cứu các mô hình tổ chức khai thác kết hợp dịch vụ trên biển nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Đồng thời, áp dụng công nghệ tin học, viễn thám, sử dụng vệ tinh trong quản lý nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nghiên cứu công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi trồng trên biển theo hướng tăng nhanh, sạch bệnh. Xây dựng các quy trình công nghệ, tiêu chuẩn phục vụ nuôi trồng an toàn sinh học, công nghệ nuôi ít sử dụng nước, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, xây dựng chương trình, dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia hoạt động đa phương, song phương, thu hút các nguồn tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế. Hợp tác chia sẻ thông tin, sử dụng cơ sở hạ tầng với các nước trong khu vực để hỗ trợ tàu cá, thuyền viên Việt Nam khai thác an toàn trên các vùng biển. Mở rộng hợp tác quốc tế về thương mại thủy sản thông qua việc đàm phán ký kết song phương, đa phương các cam kết thực thi các hiệp định; thỏa thuận hợp tác liên quan, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong xuất nhập khẩu thủy sản.

Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, xây dựng mô hình người nuôi, người cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất NTTS nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác; liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã; tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.

Thêm vào đó, tổ chức lại công tác quản lý tàu cá, quản lý nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi hải sản đối với từng vùng biển. Phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng biển ven bờ cho chính quyền địa phương nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý sát với thực tế.

Ngoài ra, phát triển mô hình tổ chức cộng đồng quản lý nghề cá cho từng vùng biển ven bờ hoặc cho từng đối tượng khai thác; xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế các nghề khai thác thủy sản ven bờ, giảm áp lực lên nguồn lợi và môi trường sinh thái ven bờ, tạo việc làm với nghề mới ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển ven bờ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất tập thể khai thác xa bờ.

Theo Bùi Thủy, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 27/10/2014

Ý kiến của bạn