Tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Bến Tre

Năm 2014, toàn tỉnh Bến Tre đã thả nuôi trên diện tích khoảng 47 nghìn ha, đạt 106,1 % so với kế hoạch năm 2014. Trong đó chủ yếu là nuôi tôm biển với diện tích 36 nghìn ha, đạt 112,4% so với kế hoạch đã ra.

Tổng sản lượng thu hoạch toàn tỉnh ước đạt 245,3 nghìn tấn, đạt 100,12 % kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó sản lượng tôm biển đạt 54,3 nghìn tấn, đạt 101,9% kế hoạch năm tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở ban ngành trong năm vừa qua, Tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân như: Xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng sản xuất tập trung, hiệu quả và bền vững; Tập trung phân bổ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kênh cấp, kênh thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô công nghiệp; Chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh một cách kịp thời; Triển khai công tác thanh kiểm tra thường xuyên về hoạt Kế hoạch tái cơ cấu ngành Thủy sản và liên kết 4 nhà, áp dụng nuôi trồng theo mô hình đạt tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP… vào nuôi tôm.

Trong năm qua, giá tôm nguyên liệu trong cả nước nói chung cũng như khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đã tăng lên đáng kể, được giữ ở mức ổn định đã tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư để nuôi trồng thủy sản. Giá tôm thẻ chân trắng từ đầu năm đến nay đã giao động từ 110.000 – 125.000đ/kg, bình quân 1 kg tôm người nuôi lãi khoảng 30.000 đồng, với năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha thì người nuôi có thể lãi khoảng 300 triệu/ha. Thu nhập từ nuôi trồng được tăng lên đáng kể và góp nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, do biến bất thường của thời tiết, xuất hiện các đợt không khí lạnh đầu năm là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Ngoài ra với hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thông kênh mương thoát nước trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu dùng chung một hệ thống với sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản đầu tư chưa đồng bộ, không tập trung. Do đó đã ảnh hưởng trong công tác phòng chống, kiểm soát được tình hình dịch bệnh khi có dịch xảy ra. Trong những tháng đầu năm, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất, nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan máu, hại tử gan tụy cấp tính gây ra. Tổng diện tích thiệt hại khoảng 1.200 ha, chiếm 11,3% trên tổng diện tích thả nuôi. Tôm chết nhiều ở giai đoạn từ 25 – 40 ngày tuổi một số ít ở giai đoạn 50 đến 80 ngày tuổi.

Theo Văn Thọ, Fistenet, 14/11/2014

Ý kiến của bạn