Tôm nuôi và thách thức dịch bệnh

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vụ tôm nuôi năm 2015 sẽ không mấy sáng sủa bởi tình hình dịch bệnh có nhiều phức tạp.

Truy nguồn gốc gây bệnh

Tại cuộc hội thảo mới đây tại Ninh Thuận, lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng VI đưa ra thông tin nhiều chiều. Đó là qua lần khảo sát của cơ quan này ở Tây Nam bộ, các hộ nuôi tôm phàn nàn nguyên nhân dịch bệnh là do con giống kém chất lượng; trong khi một số cơ sở sản xuất tôm giống lại đổ lỗi cho hộ nuôi không đúng quy trình kỹ thuật, môi trường khu vực nuôi bị ô nhiễm.

Đi tìm nguồn gốc gây bệnh, Cơ quan Thú ý vùng VI đã thực hiện Chương trình giám sát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Đợt đầu tiến hành ở các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng; đối tượng giám sát là các cơ sở nuôi tôm thương phẩm. Đợt tiếp theo ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đối tượng giám sát là các cơ sở sản xuất tôm giống.

Kết quả giám sát đã hé lộ một số tồn tại, đòi hỏi các cơ sở sản xuất tôm giống phải khắc phục để góp phần cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Qua lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nghiên ở 30 trại giống tại Bình Thuận, có 12 trại phát hiện được Vibrio gb gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, chiếm 40%; tại Ninh Thuận 26/30 trại phát hiện được Vibrio gb gây bệnh, chiếm 86,7%. Vibrio gb được phát hiện trong cả mẫu thức ăn tươi sống (mực, hàu, dời), mẫu nước và tôm post; trong đó, mẫu nước và thức ăn chiếm tỷ lệ cao. Cũng theo kết quả giám sát, nguồn thức ăn tươi sống được lấy chủ yếu từ vùng biển Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa bị nhiễm Vibrio gb.

Cách nào ngăn chặn?

TS Trần Hữu Lộc – Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việc chú trọng ngăn ngừa sự lây lan qua đường dọc bao gồm các giải pháp tổng hợp từ trại tôm giống, với sự kiểm soát chất lượng tôm bố mẹ, kiểm tra mầm bệnh từ tôm bố mẹ, các chế tài quản lý xuất nhập khẩu tôm bố mẹ và tôm giống vào Việt Nam, quản lý tôm giống trước khi xuất bán có vai trò quan trọng. Ở góc độ hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa cơ chế lây ngang của bệnh thông qua các bước chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình, có ao lắng đúng quy cách, áp dụng biện pháp an toàn sinh học, cắt mầm bệnh bằng việc luân canh, đa canh… Ở quy mô trang trại lớn có tiềm lực tài chính, có thể kiểm soát chất lượng giống bằng cách liên kết với các công ty cung cấp tôm giống, quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học”.

Cũng theo TS Lộc, bất kỳ thách thức nào đều đem đến cơ hội, buộc chúng ta phải tự thay đổi để phát triển cao hơn. Trước tình hình dịch bệnh và để khống chế dịch bệnh một cách căn cơ, hiệu quả, đã dần xuất hiện những mô hình hay, như Tập đoàn Minh Phú đang hình chuỗi liên kết cung ứng tôm bền vững, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa trại sản xuất tôm giống, vùng nuôi với các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Cơ quan Thú y vùng VI cho biết, dịch bệnh đốm trắng có chiều hướng tăng mạnh; năm 2013 có 12.265 ha tôm ở 28 tỉnh, thành phố bị dịch bệnh; năm 2014 lên 23.850 ha. Bệnh hoại tử gan tụy cấp cũng tăng, năm 2014 có 5.509 ha bị thiệt hại.

Theo Anh Tùng, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 18/05/2015

Một bình luận trong “Tôm nuôi và thách thức dịch bệnh”

Ý kiến của bạn