Giảm hệ số chuyển hóa thức ăn trong nuôi tôm

Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, ngoài các khâu kỹ thuật thì làm thế nào để giảm hệ số chuyển hóa thức ăn của tôm xuống mức thấp nhất mà vẫn đảm bảo tôm phát triển bình thường, cần được người nuôi quan tâm.

Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR (Feed convertion ratio) là tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn cho tôm ăn và tổng trọng lượng tôm thu hoạch được trên một đơn vị diện tích. Mỗi loài nuôi, mỗi loại thức ăn đều có hệ số chuyển đổi thức ăn khác nhau. Muốn nuôi tôm có hệ số thức ăn giảm mà vẫn đảm bảo tốc độ sinh trưởng, người nuôi cần chú ý các khâu kỹ thuật sau:

Loài nuôi và chất lượng giống

Hiện nay trong nuôi tôm nước lợ có 3 loài được xem là đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) và tôm rảo, trong đó TTCT được xem là loài có thể nuôi được mật độ cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, thức ăn không cần hàm lượng đạm cao và quan trọng hơn cả là hệ số chuyển hóa thức ăn của tôm thấp nhất so với 2 loài trên, chỉ 1,1 – 1,3 trong khi ở tôm sú 1,6 và tôm rảo 1,5. Do những đặc tính ưu việt đó, hiện nay TTCT đang được người nuôi xem như một đối tượng nuôi chính mang lại năng suất và sản lượng cao.

Để tôm phát triển, kháng bệnh tốt thì khi mua giống cần chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không cận huyết và không đẻ tái phát nhiều lần. Do vậy khi chọn mua giống cần tìm hiểu nhiều nguồn thông tin về nơi sản xuất giống đó, đảm bảo giống mua có chất lượng tốt cả về dịch bệnh và di truyền.

Thức ăn và cách cho ăn

Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, thức ăn cần đạt được những tiêu chí sau:

Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không rã trong nước sau 2 giờ, không chứa tạp chất, nấm mốc, ẩm ướt… Thức ăn phải thu hút tôm bắt mồi, chỉ nên cho ăn khi tôm thật sự muốn ăn.

Tôm sú, TTCT và tôm rảo đều là động vật ăn thịt và rất háu ăn. Trong quá trình nuôi, TTCT cần nhiều khoáng chất nhất để tăng trưởng, ở ngưỡng pH 7,8 – 8,3 giúp máu trong cơ thể chúng tuần hoàn và tiêu hóa tốt. Môi trường sống ổn định sẽ tác động tốt đến tôm (như sự thèm ăn, quá trình trao đổi chất, lột xác, tiêu hoá và hệ thống miễn dịch). Tôm có cấu tạo đường ruột ngắn và vận động liên tục, do vậy chúng phải ăn nhiều lần trong ngày.

Lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ nước là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến việc cho tôm ăn. Tôm giảm ăn khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn 4 mg/l và ngưng ăn khi thấp hơn 2 mg/l. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 28 – 300C. Khi nhiệt độ giảm 20C thì nên giảm 30% lượng thức ăn trong ngày. Cần kiểm tra nhiệt độ nước ao trước khi cho tôm ăn. Nếu hàm lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì đợi ánh nắng mặt trời chiếu xuống ao sau 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa đầu tiên trong ngày.

Tôm thường có tập tính bơi ngược dòng nước, do vậy cần rải thức ăn theo dòng chảy.  Thức ăn cần được rải đều và mỏng tại các khu vực cho ăn này, để đa số tôm trong ao sử dụng được thức ăn, tránh hiện tượng tôm không tìm được thức ăn dẫn đến còi cọc.

Cho ăn đúng cách, không những giảm hệ số thức ăn mà còn hạn chế ô nhiễm nước ao. Vận hành quạt khí tạo dòng chảy gom chất thải vào một khu vực trong ao, được đánh dấu và không rải thức ăn vào đó. Nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nền đáy ao không sạch. Để tôm ăn hết mồi trước khi thức ăn bị phân rã, nên cho tôm ăn vào buổi tối với liều lượng bằng 50% lượng thức ăn của các bữa trong ngày. Cần kiểm tra và xác định các trường hợp cụ thể để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp trước khi tôm mất đi sự thèm ăn và tránh thức ăn thừa gây lãng phí và ô nhiễm nước ao nuôi.

Quạt nước khi cho ăn

Tháng nuôi đầu tiên, không nên quạt nước khi cho tôm ăn. Nên duy trì quạt nước trong lúc cho tôm ăn sau 1 tháng nuôi, đặc biệt trường hợp nước trong (không có hay ít tảo), nước đục (nhiều chất rắn lơ lửng) hoặc ngày có nhiều mây mù. Nên đặt nhá chứa thức ăn được trộn với khoáng chất và vitamin tại vùng rìa khu vực gom tụ chất thải nhằm kiểm tra tôm yếu và giúp cho tôm yếu có được thức ăn, phục hồi sức khoẻ.

Điều chỉnh thức ăn hợp lý

Trong quá trình nuôi sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, vậy nên cần điều chỉnh lượng thức ăn theo Bảng:

z300-con-tom-884.jpg

Trên quan điểm “Tôm không chết vì đói mà chết do thừa thức ăn”, người nuôi nên theo dõi chặt chẽ sự biến động thời tiết, yếu tố môi trường ao nuôi và sức khỏe tôm để điều chỉnh thức ăn phù hợp.

Theo Thủy sản Việt Nam

Ý kiến của bạn