Lợi ích kép từ nuôi cá đối mục và tôm sú

Ông Lộc Cá Pắn, thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng (Tiên Yên) vừa kết thúc đợt thu hoạch cá đối mục theo mô hình nuôi ghép 2ha cá đối mục và tôm sú. Ở mô hình này, cá đối mục không phải đối tượng nuôi chính song cũng đã cho sản lượng và giá trị tương đối lớn. Cụ thể, mỗi ha cho thu gần 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán tại ao hiện ở mức 60.000 đồng/kg ước đạt tổng giá trị trên 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng/ha.

Ông Lộc Cá Pắn cho biết: Thời gian tôi nuôi trong khoảng 1 năm, con cá đạt trọng lượng trên 0,5kg, như vậy là phát triển rất tốt, hơn dự đoán của đơn vị cung cấp giống, nhờ đó đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây chưa phải là lợi ích cao nhất của con cá đối mục mà hơn nữa chính là đối tượng nuôi này có thể giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, hạn chế dịch bệnh cũng như nâng cao sản lượng và giá trị cho đối tượng nuôi chính là con tôm sú. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với địa bàn nuôi tôm Hải Lạng từ 2 năm nay liên tục xảy ra dịch bệnh, làm tôm chết hàng loạt do môi trường nuôi không đảm bảo. Cũng chính vì vậy nên mới đây ông Lộc Cá Pắn đã nhân rộng mô hình nuôi ghép cá đối mục và tôm sú trên diện tích 7ha, nâng tổng diện tích nuôi cá đối mục lên 9ha, chiếm 100% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông.

Có chung nhận định như ông Lộc Cá Pắn, ông Nguyễn Văn Khang, một hộ nuôi cá đối mục ở khu 2, phường Hà An (TX Quảng Yên) cho biết: Phải nói là hiếm có đối tượng nuôi nào lại có lợi ích kép như con cá đối mục, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung.

Cá đối mục là đối tượng nuôi khá mới, chính thức được đưa vào thử nghiệm tại Quảng Ninh từ gần 2 năm nay, và đã đưa vào nuôi rộng rãi tại Tiên Yên, Móng Cái, Quảng Yên. Đến thời điểm này đạt trên 60ha, trong đó vùng Hải Lạng (Tiên Yên) chiếm đến 30ha. Hiện tất cả diện tích trên đều đã và đang cho kết quả tốt, mang lại lợi ích lớn cho người nuôi.

Thực tế cá đối mục là loài cá có sức sống rất tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. Thông thường cá nuôi trong vòng 1,5 năm sẽ đạt tiêu chuẩn cá thương phẩm với trọng lượng 0,6-0,8kg, trọng lượng tối đa của loài này có thể lên đến 8kg. Đây là loại cá rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống và sinh trưởng tốt ở cả môi trường nước lợ, mặn và nước ngọt. Trong đó cá có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 3-35oC và độ mặn 0-40 phần nghìn, trong khi ở các đối tượng nuôi khác, ở nhiệt độ dưới 9oC; độ mặn xấp xỉ 40 phần nghìn là có thể chết. Như vậy có thể nói đây là ưu thế vượt trội của con cá đối mục. Đặc biệt thức ăn chủ yếu của loại cá đối mục là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, đa mao trùng, ấu trùng tôm và nhuyễn thể… những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi cũng như nuôi dưỡng mầm bệnh hại các loài thuỷ sản. Chính vì vậy, việc nuôi cá đối mục sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tất cả các đối tượng nuôi khác một môi trường sống thuận lợi, an toàn nhất để sinh trưởng và phát triển. Riêng đối với môi trường nuôi tôm đã bị suy thoái, việc nuôi ghép cá đối mục sẽ tránh được bệnh hội chứng gan tụy, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trên con tôm. Thực tế kết quả trên hơn 30ha diện tích nuôi ghép cá đối mục và tôm tại xã Hải Lạng đã cho thấy môi trường nuôi ở đây đã được cải thiện hơn, giảm hẳn tình trạng tôm chết do hội chứng gan tụy. Đây có thể nói là tác dụng quan trọng của đối tượng nuôi này, nhất là trong tình hình hiện có quá nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản đang rơi vào tình trạng bị ô nhiễm như vùng nuôi tôm Hải Lạng. Thực tế hiện toàn tỉnh đang có gần 10.000ha ao đầm nuôi tôm với hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến, bán thâm canh hoặc thâm canh. Điều đáng nói cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi này còn nhiều bất cập như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống ao chứa và xử lý nước, hệ thống ao nuôi chưa được đầu tư hoặc đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến môi trường nuôi bị suy thoái nghiêm trọng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho các cá nhân, đơn vị nuôi tôm.

Hiện Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã làm chủ hoàn toàn được các quy trình gây giống và công nghệ nuôi thương phẩm cá đối mục; đủ khả năng cung cấp giống cá đối mục với số lượng lớn và chất lượng đảm bảo. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đơn vị này đã xuất trên 800.000 giống cá đối mục… Đây là cơ sở, điều kiện để nhân rộng và phát triển một cách bền vững, mạnh mẽ mô hình nuôi cá đối mục trên địa bàn tỉnh.

Theo Việt Hoa, Báo Quảng Ninh

Một bình luận trong “Lợi ích kép từ nuôi cá đối mục và tôm sú”

Ý kiến của bạn