Bà con nuôi tôm ở Trần Đề, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang ứng dụng quy trình nuôi tôm luân canh với cá rô phi, cá chẻm, cá kèo theo hình thức tuần hoàn, khép kín, tận dụng nguồn nước nuôi cá để nuôi tôm và ngược lại.
Môi trường vùng nuôi xuống cấp sau nhiều năm nuôi liên tục, quy trình nuôi thâm canh tăng mạnh thì ít nhất giải pháp này sẽ góp phần giảm bớt lượng thuốc, hóa chất đưa xuống ao nuôi, cá rô phi còn giúp giảm áp lực khí độc dưới đáy ao nuôi tôm, như các nhà khoa học nhận định: “cá rô phi là máy lọc nước sinh học” cho ao nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho biết: “Môi trường xuống cấp nghiêm trọng, ở đây nhiều bà con trong hiệp hội cũng đã nuôi cá rô phi ghép trong ao nuôi, lấy nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm thời gian vừa qua bà con làm rất hiệu quả. Tuy nhiên đây là biện pháp nuôi để ổn định môi trường, hạn chế thuốc hóa chất nhất là môi trường nước trong ao rất tốt, ít tốn chi phí để xử lý”.
Hình thức nuôi cá rô phi trong ao lắng để lấy nước bổ sung cho ao nuôi, nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm chẳng mới là gì đối với người nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng. Khi môi trường vùng nuôi thâm canh, tăng vụ với quy mô hơn 30.000 ha, canh tác mang tính chuyên canh nhiều năm liên tục đã gây ra tình trạng suy thóai, môi trường ao nuôi thì biện pháp nuôi cá luân canh, nuôi ghép cá rô phi trong ao là giải pháp khắc phục môi trường ao nuôi hữu hiệu trong giai đoạn này. KS Trần Hoàng Dũng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết: “Ngoài con cá rô phi thì cá kèo, cá chẻm,… có thể nuôi để rồi sau đó lấy nước để nuôi tôm.
Chúng ta có thể nuôi một vụ cá kèo, cá chẻm sau vài tháng thì lấy nước vào ao nuôi rất hiệu quả. Tuy nhiên cá chẻm chi phí nuôi rất cao nên tốt nhất là nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm là tốt nhất, dễ làm nhất”. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết thêm: “Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được hình thức nuôi cá phi trong ao, nuôi lồng, nuôi cá lấy nước nuôi tôm thì lợi ích khá lớn vì nguồn nước này có chứa các loại vi khuẩn có lợi. Nuôi ghép cá phi sẽ làm giảm các độc tố đáy ao tôm, như khí NH3 gây ô nhiễm nền đáy ao. Mặt khác khi lấy nguồn nước này thì các chất lơ lững trong ao nuôi rất hạn chế, có lợi cho nuôi tôm”.
Lợi ích từ quy trình luân canh để lấy nước từ ao nuôi cá sang nuôi tôm, hình thức nuôi ghép, nuôi đăng quầng… đã khẳng định được tính hiệu quả, song hình thức này cũng chỉ phù hợp với mật độ thấp, còn đối với quy trình nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhất cũng chỉ ở mật độ 30 – 40 con/m2 là thích hợp.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thủy lợi vừa giữ vai trò cấp nước vừa thoát nước như hiện nay thì xu hướng nuôi tôm an toàn sinh học là hướng phát triển trước mắt đối với vùng nuôi tôm giai đoạn hiện nay. Những ao lắng được nuôi cá rô phi, những đăng quần giữa ao nuôi, nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm xuất hiện ngày càng nhiều là một tín hiệu đáng phấn khởi trước xu thế nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng nhanh như hiện nay.
Theo Vasep
Một bình luận trong “Vai trò của cá rô phi trong ao tôm”