Tại Cà Mau, từ năm 2010 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp làm cho tôm nuôi chết hàng loạt, tập trung ở loại hình nuôi tôm công nghiệp. Hiện, dịch bệnh này vẫn còn là đề tài mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đẩy mạnh nghiên cứu tìm giải pháp đẩy lùi.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Viện Nghiên cứu NTTS II: Áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính gây thiệt hại nặng trên cả tôm sú và tôn thẻ chân trắng. Tôm có thể bị nhiễm bệnh trong suốt chu kỳ nuôi, tập trung ở giai đoạn 10 – 45 ngày nuôi. Dấu hiệu: giảm ăn, bệnh lý ở giai đoạn đầu thường không rõ hoặc biểu hiện sưng, nhũn, nhạt màu gan tụy. Giai đoạn sau biểu hiện rõ bằng sự teo gan tụy, màu nhợt, dấu hiệu khác cũng được ghi nhận bao gồm mềm vỏ, sậm màu. Theo đó, áp dụng biện pháp an toàn sinh học là chính trong quản lý môi trường ao nuôi vẫn là ưu tiên hàng đầu. Việc tầm soát sự hiện diện của Vibrio trong môi trường nước trong suốt vụ nuôi là rất cần thiết. Trên cơ sở đó can thiệp kịp thời bằng chất diệt khuẩn và cấy vi sinh thích hợp; đồng thời, tạo môi trường đầy đủ và phong phú thức ăn tự nhiên, đảm bảo sự cân bằng và ổn định của nước và đáy ao…
Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Kiểm soát mật độ Vibrio
Nguyên nhân của vấn đề dịch bệnh là công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch chậm, chưa sát thực tế địa phương; kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm còn yếu kém, nhất là hệ thống điện, thủy lợi; những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi… Theo đó, ngoài các giải pháp theo quy trình nuôi từ khâu chọn giống đến thu hoạch tôm nuôi, xúc tiến xây dựng hệ thống thủy lợi, đầu tư lưới điện 3 pha, quản lý vật tư, thuốc, hoá chất, con giống. Trong quá trình nuôi, việc kiểm soát mật độ Vibrio là rất cần thiết. Mật độ này thay đổi hằng ngày, người nuôi khó kiểm soát nên việc xét nghiệm mẫu nước, tôm nuôi… định kỳ là điều cần quan tâm. Cùng đó, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước với phương châm vì cộng đồng, coi lợi ích của người nuôi tôm như lợi ích của mình.
Ông Tăng Sình Sềm, ấp Tân Phong, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước: Trang bị kiến thức nuôi trồng
Trong tình hình hiện nay, tốt nhất người nuôi tôm hãy tự học hỏi, trang bị kỹ thuật cho mình, không nên trông chờ cán bộ kỹ thuật bởi với diện tích ao nuôi nhiều như hiện nay rất khó đáp ứng hết. Ðối với những ao bị bệnh gan tụy thì cần phải ngắt vụ ít nhất 2 tháng.
Theo Thủy sản Việt Nam