Cá lăng vàng (Mystus nemurus) là loài cá nước ngọt bản địa có giá trị thương mại cao, thịt cá thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nuôi cá lăng vàng trong lồng trên hồ chứa miền núi”, các cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng vàng trong lồng ở hồ chứa Quán Hài tại huyện miền núi Yên Thành (Nghệ An) nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trong hồ và làm tăng hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng trong hồ chứa.
Vào cuối mùa thu đầu mùa đông, khi nhiệt độ nước xuống thấp, cá lăng vàng nuôi thường mắc một số bệnh như bệnh ký sinh trùng (với tác nhân gây bệnh làIchthyophthyrius multifilus, Dactylogyrus sp., Trichodina sp.,… giun, sán), bệnh vi khuẩn (với tác nhân gây bệnh là Aeromonas hydrophila), bệnh nấm (Achlya sp.), và bị chết rải rác trong lồng.
Khi bị bệnh ký sinh trùng và bệnh vi khuẩn, trên da và mang của cá thường xuất hiện các đốm trắng nhỏ cùng với nhiều dịch nhày làm cho cơ thể cá có màu nhợt nhạt, hoặc bị lở loét trên thân, bị mòn vây… Cá bị bệnh nổi trên mặt nước từng đàn, bơi yếu hoặc quẫy nhiều do ngứa ngáy. Khi bị trùng bám nhiều ở mang, cá dễ bị ngạt thở. Cá bị bệnh nặng, yếu quá sẽ chết. Nếu bị bệnh nấm, trên các vây cá có nhiều sợi nấm bám tạo thành từng búi.
Dưới đây giới thiệu một số biện pháp phòng trị bệnh cho cá lăng vàng đã được áp dụng trong mô hình nuôi cá lăng vàng ở hồ chứa Quán Hài để bà con tham khảo.
* Tắm nước muối
Dùng nước muối nồng độ 2% để tắm cho cá lăng vàng trong khoảng 15 – 30 phút, tùy theo tình trạng sức khỏe của cá. Trong khi tắm cho cá phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy cá yếu phải kịp thời dừng lại và vớt cá ra ngay.
* Dùng thuốc kháng sinh
Ngoài việc tắm cho cá bằng nước muối, còn dùng biện pháp trộn thuốc kháng sinh Streptomycine vào thức ăn cho cá với liều lượng 200 mg/kg cá, cho cá ăn liên tục trong 5 ngày. Khi trị bệnh bằng cách phối hợp giữa tắm và trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá lăng vàng ăn, hiệu quả trị bệnh cao hơn hẳn, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn và nấm ở cá giảm nhiều. Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ dùng thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá sau khi các cán bộ chuyên môn đã xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh cho cá lăng vàng.
* Dùng thuốc tẩy giun, sán
Khi phát hiện cá lăng vàng bị nhiễm giun tròn Procamallanus sp. và sán dâySilurotaenia siluri, dùng thuốc tẩy giun sán Fugacar với liều lượng 150 mg/kg cá, lặp lại sau 15 ngày. Biện pháp này cho hiệu quả khá tốt.
* Bổ sung vitamin C và men tiêu hóa
Dùng vitamin C bổ sung vào thức ăn nuôi cá để tăng cường sức đề kháng cho cá lăng vàng với liều lượng 50 mg/kg cá/ngày. Sau thời gian trị bệnh cho cá, dùng men tiêu hóa Biocianmin với liều lượng 250 mg/kg cá/ngày sẽ giúp cá tăng cường sức đề kháng và hấp thụ tốt hơn thức ăn.
* Treo túi vôi ở lồng
Khi phát hiện cá lăng vàng bị nhiễm bệnh, thường xuyên dùng túi đựng vôi với liều lượng 3 kg vôi/10 m3 nước treo ở lồng nuôi để ổn định pH của nước, tăng hệ đệm cacbonat bảo đảm môi trường nuôi và phòng bệnh cho cá. Nếu pH của nước trong lồng nuôi quá thấp sẽ sản sinh ra nhiều khí CO2 và các khí độc khác như H2S, CH4,tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh cho cá nuôi.
Theo Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia ,