Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cả thực phẩm tươi sống và chế biến (khô cá). Từ việc nuôi nhỏ lẻ, bán thâm canh tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên hiện nay nghề nuôi cá được người dân phát triển mạnh theo hướng nuôi thâm canh trên qui mô lớn với chi phí đầu tư cao.
Chính vì xu hướng nuôi thâm canh thì mối nguy về dịch bệnh trên cá rất dễ xảy ra trong quá trình nuôi. Nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo quy luật hàng năm khi thời tiết sắp bước vào giai đoạn giao mùa là điều kiện thích hợp cho dịch bệnh xảy ra và gây nhiều tổn thất cho người nuôi. Tuy nhiên, nếu người nuôi tuân thủ theo một số yêu cầu kỹ thuật sẽ góp phần hạn chế tối đa dịch bệnh hạn chế gây thiệt hại cho người nuôi.
Những nguyên có thể dẫn đến bệnh cá
1. Chất lượng nước bị thay đổi
– Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 12 đến tháng 02 (có thể xuống thấp đến 25-270C) và nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm (lên đến 30-350C) đều làm cho cá bỏ ăn, suy yếu tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh trên cá làm cho cá dễ bệnh.
– Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng kỹ thuật hoặc nguồn nước cấp bị ô nhiễm hoá chất độc, vi khuẩn, virus…
2. Chất lượng thức ăn kém
Chất lượng thức ăn kém (thức ăn công nghiệp và thức ăn tươi sống) không đảm bảo dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và dư lượng thức ăn lưu tồn nền đáy sẽ làm ô nhiễm nước ao.
3. Thiếu cẩn thận khi chăm sóc cá
Các dụng cụ cho ăn không được vệ sinh thường xuyên là nơi ẩn chứa mầm bệnh.
Các dụng cụ vận chuyển, bắt cá như lưới vợt, thùng… có thể làm xây xát cá trong quá trình thao tác và vì thế mầm bệnh có điều kiện xâm nhập vào cá nuôi.
4. Nguồn giống thả kém chất lượng
Cá có thể đã bị mắc bệnh từ nguồn giống thả nuôi, chưa được cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng, con vật mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt trùng, khi cá thả xuống nuôi sau một thời gian gặp thời tiết thay đổi sẽ thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Một số giải pháp phòng bệnh
Trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột dễ làm cho cá bị stress, các tác nhân gây bệnh có điều kiện phát triển và xâm nhập vào cá nuôi. Điều cơ bản để giúp cá nuôi phát triển tốt và phòng bệnh hiệu quả là việc tránh làm cho cá bị stress bằng cách duy trì chất lượng môi trường qua việc chăm sóc đúng.
1. Cải tạo môi trường
Chuẩn bị ao, bè nuôi:
Sau khi thu hoạch, các ao, hầm, bè muốn sử dụng lại nhất thiết phải được cải tạo để tạo môi trường sống tốt cho thủy sản nuôi nhằm phòng bệnh và nâng cao năng suất cá nuôi bằng cách: Tát cạn nước, sên vét bùn ra khỏi ao (không để lại bùn thối trong ao), phơi ao (bè) 5-7 ngày và tu sửa lại bờ ao, cống, làm vệ sinh mương cấp, thoát nước.
Tẩy độc cho ao, bè nuôi:
– Dùng vôi (CaO) để tẩy độc và trung hòa pH: sử dụng 10-15kg/100 m2 rải đều đáy ao, bờ ao; trường hợp ao có phèn (pH < 5) thì dùng 15-20kg/100 m2; đối với những ao không thể rút cạn nước, dùng vôi từ 0,5- 1kg/m3 để rải trực tiếp xuống ao, rải vôi vào ngày nắng, chú ý những nơi có bùn đọng.
– Dùng rễ cây thuốc cá: 4g/m3 hay Saponin để diệt tạp.
– Chà rửa sạch, phơi khô lồng bè, sau đó quét hoặc phun Clorua vôi Ca(OCl)2 với lượng 200-250g/m3 bè.
2. Tăng cường chăm sóc quản lý
Tẩy trùng cho cá:
Trước khi thả giống nên:
– Tắm cá: Bằng cách dùng muối ăn 2-4g/lít trong 15-20 phút hoặc dùng formalin 25-30 g/m3 để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá;
– Phun thuốc xuống ao: Dùng Chlorin 1g/m3 hoặc CuSO4 0,2-0,5g/m3 nước ao.
Tẩy trùng nơi cho ăn:
– Vôi 2-4kg/túi treo quanh chỗ cho ăn, 5-7 ngày thay túi;
– Chlorin 200- 250g/m3 để tẩy trùng dụng cụ trong 12 – 24 giờ.
Chọn giống thả:
– Kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, không dị hình.
– Không xây xát, bơi lội nhanh nhẹn.
* Lưu ý, trong quá trình nuôi nên:
+ Định kỳ 2 lần/tuần bổ sung Vitamin C cho cá ăn với liều trộn 40g/100kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
+ Dùng các loại men tiêu hóa trộn vào thức ăn.
+ Có thể dùng Thyromin cho ăn 2 lần/tuần (theo hướng dẫn ghi trên bao bì).