Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y một số tỉnh ĐBSCL cho thấy, tỷ lệ mẫu tôm bệnh dương tính đối với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng là khá cao, gây ra những thiệt hại đáng kể trên tôm nuôi. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh này là vô cùng cần thiết.
Nguyên nhân, biểu hiện bệnh
Bệnh IHHNV xảy ra trên cả tôm sú và TTCT ở tất cả các giai đoạn phát triển tác nhân gây bệnh là do virus Infectious hypodermal và hematopoietic necrosis. Loại virus này sau khi xâm nhập vào cơ thể tôm sẽ phá hủy các tế bào tuyến, hệ bạch huyết tế bào thần kinh và có thể lây truyền theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Trong quá trình phát bệnh, những cá thể tôm nào mang mầm bệnh sống sót được thì cũng sẽ mang virus suốt vòng đời và đương nhiên sẽ truyền virus gây bệnh này cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, bệnh này cũng lây lan nhanh chóng cho những cá thể tôm khác trong ao nuôi khi tôm khỏe ăn tôm bệnh.
Khi các yếu tố môi trường ao tôm bất lợi cộng với sức đề kháng của tôm yếu thì tôm mang mầm bệnh sẽ phát bệnh với biểu hiện chung là tôm bị hôn mê, bơi lờ đờ và chủy bị biến dạng. Đối với tôm sú, khi biểu hiện bệnh tôm thường chuyển sang màu xanh, cơ bụng có màu trắng đục và tôm thường chết nhiều trong giai đoạn 10 – 20 ngày sau khi thả giống. Bệnh này trên tôm TTCT dù không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng khiến tôm kém ăn, tăng trưởng của tôm giảm từ 10 – 30%, tôm bị còi cọc, phần chủy bị cong, các phụ bộ ở phần đầu ngực bị biến dạng, vỏ tôm bị sần, râu tôm quăn queo.
Cách phòng và trị bệnh
Bệnh IHHNV do virus gây ra nên việc điều trị khi bệnh xảy ra là rất khó và hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, việc phòng bệnh là quan trọng nhất với các giải pháp chủ yếu là chọn nguồn giống tốt, cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật và áp dụng các biện pháp nuôi tôm an toàn sinh học.
Cụ thể, người nuôi tôm không nên mua tôm giống từ các nguồn trôi nổi mà mua từ các trại giống có uy tín đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt, tôm giống trước khi đặt mua phải có chứng nhận kiểm dịch âm tính với các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Ao nuôi tôm phải có thời gian ngưng giữa 2 vụ trên 1 tháng để đủ thời gian cải tạo ao đầm, cắt mầm bệnh. Khâu cải tạo ao phải theo đúng quy trình, theo lịch mùa vụ của cơ quan chức năng nhằm tiêu diệt hết mầm bệnh, vật chủ trung gian truyền bệnh. Trong quá trình cải tạo ao đầm chỉ được dùng các loại hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trong quá trình cải tạo, xử lý môi trường nuôi thủy sản.
Trong quá trình nuôi, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường ao nuôi, thực hiện các biện pháp quản lý môi trường nhằm đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa nằm ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm, như: độ mặn 10 – 25‰, pH 7,5 – 8,5; độ kiềm 80 – 120 mg/l; độ trong 30 – 35 cm, ôxy hòa tan trên 5 mg/l, giảm thiểu khí độc, diệt khuẩn và sử dụng men vi sinh định kỳ để kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại trong ao nuôi.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin (nhất là Vitamin C), khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm. Không nên dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm do có liên quan đến tình trạng kháng thuốc trên vi khuẩn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là không được dùng các loại hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý chặt chẽ thức ăn trong nuôi tôm cũng rất quan trọng bởi nếu thức ăn dư thừa sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường ao tôm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh và làm tăng chi phí sản xuất.
Trong trường hợp tôm nuôi phát hiện có dấu hiệu bị bệnh IHHNV, bà con nuôi tôm cần báo ngay với cán bộ thú y địa phương để xác định bệnh tính và có biện pháp xử lý thích hợp; đồng thời, báo với các hộ nuôi tôm xung quanh biết để chủ động phòng bệnh. Hộ nuôi tôm không được tự ý xả nước từ ao nuôi tôm bệnh ra môi trường bên ngoài mà phải được xử lý bằng Chlorine hoặc TCCA nồng độ tối thiểu 30 ppm để tiêu diệt mầm bệnh và chỉ xả nước ra bên ngoài sau ít nhất 15 ngày xử lý hóa chất dập dịch.
IHHNV là một trong 5 loại bệnh trên tôm được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục bệnh nguy hiểm được hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất theo Thông tư 21/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 31/10/2014 ,