Cá chép ở giai đoạn cá giống và cá hương thường hay bị bệnh kênh mang dẫn đến tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp phòng trị bệnh kênh mang của cá chép để có thể mang lại hiệu quả trong chăn nuôi và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Tác nhân gây bệnh
Cá chép ở giai đoạn nhỏ thường bị kênh mang chủ yếu do hai tác nhân chính gây ra là ấu trùng sán lá Centrocestus formosanus và thích bào tử trùng Myxobolus sp.
Ấu trùng (Metcercaria) của sán lá song chủ Centrocestus formosanus (Nishigori, 1924) ký sinh ở mang cá. Bào nang hình ovan, kích thước 0,16 – 0,23 x 0,125 – 0,178 mm.
Thích bào tử trùng gây bệnh ở cá chép là các loài thuộc giống bào tử sợi Myxobolus (Biitschli,1882). Nó có đặc điểm riêng là phía trước bào tử có 2 cực nang, thường các loài có 2 cực nang bằng nhau, một số ít loài có 1 cực nang bị thoái hóa (Myxobolus toyamai).
Biểu hiện của bệnh
Khi cá chép bị kênh mang thường có các biểu hiện chung là cá bơi lờ đờ ở tầng mặt gần bờ, không có phản ứng với tiếng động. Cá có hiện tượng nắp mang hở, không khép kín, cá chết nổi lên bờ và chết nhiều ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi.
Do nhiễm ấu trùng sán C. formosanus: Ấu trùng sán ký sinh nằm sâu trong tơ mang tạo thành bọc, tập trung nhiều ở gốc và trên tơ mang, làm tơ mang bị biến dạng. Khi nhiễm cường độ cao, mang sưng lên, trương phồng, nắp mang không thể đậy kín các phiến mang, ảnh hưởng đến hô hấp của cá nhưng mang vẫn có màu hồng tươi. Thường xảy ra ở cá chép hương 2 tuần tuổi đến cá giống nhỏ < 10 g/con. Tốc độ sinh trưởng chung so với các ao cùng ương giảm khoảng 30 – 50% .
Do thích bào tử trùng Myxobolus sp.,: Sợi thích ty cắm vào và xâm nhập tổ chức mang. Quá trình xâm nhập, sinh sản tiếp tục đến khi tạo ra các khối u màu trắng to bằng hạt tấm, hạt gạo có thể quan sát bằng mắt thường trên mang cá. Thường xảy ra ở cá chép giống cỡ 5 – 50 g/con.
Biện pháp phòng bệnh tổng hợp
Do ấu trùng sán ký sinh ở mang cá được bao bọc bởi vỏ bào nang dày, còn thích bào tử trùng lại được nằm trong lớp kitin dày rất khó phá vỡ. Vì vậy các loại hóa chất thông thường như Formalin, CuSO4, KMnO4 không thể diệt được… Chỉ tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp gồm vệ sinh trang trại, hệ thống lồng lưới, bể, ao ương sau mỗi vụ sản xuất và trước khi đưa vào vụ nuôi mới; Ương nuôi cá với mật độ phù hợp; Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn tươi sống phải được khử trùng; Dùng Chlorine để sát trùng, diệt ký chủ của kí sinh trùng; Tránh gây sốc, tránh xây xát trong quá trình san thưa, chuyển bể hoặc phân cỡ cá.
Biện pháp điều trị bệnh
Theo kết quả nghiên cứu của Ts. Kim Văn Vạn và cộng sự năm 2012, khi cá chép bị kênh mang do nhiễm ấu trùng sán có thể dùng Praziquatel với liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn, cho ăn liên tục 3 – 5 ngày và cho ăn 10 – 15% trọng lượng cơ thể thì các ấu trùng bị tiêu diệt và cá sẽ khỏe lại. Do praziquatel có mùi đặc trưng nên nếu trộn vào thức ăn với liều cao thì cá không ăn thức ăn nên hiệu quả điều trị kém. Vì vậy, trong 1 – 2 ngày đầu trộn thuốc với liều lượng ít sau đó tăng dần. Đồng thời, cũng cần bao thức ăn bằng dầu hoặc chất bao để dùng thuốc đạt hiệu quả cao.
Để điều trị kênh mang do thích bào tử trùng gây ra có thể trộn Sulfadiazine hoặc thuốc tỏi cho ăn. Nên chọn các sản phẩm có thành phần là Sulfadiazine của công ty uy tín như sản phẩm SULTRI – UV với lượng 1 lít/500 – 700 kg thức ăn của Công ty TNHH UV – Việt Nam cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày, hoặc sản phẩm Tiên Đắc của Công ty CP Phát triển VICATO với lượng 0,5 kg/4 kg thức ăn liên tục 3 – 5 ngày thì cá sẽ lành bệnh.
Lưu ý: nên cho cá ăn vào buổi sáng (8 – 10h) để đạt được hiệu quả trong điều trị bệnh. Đồng thời, bổ sung thêm men tiêu hóa, bổ gan giúp cá nhanh hồi phục.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 22/10/2015 ,
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good. https://accounts.binance.com/en/register?ref=RQUR4BEO
Your article helped me a lot, is there any more related content? Thanks!