Trong vài năm gần đây, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đã tàn phá nhiều trại nuôi tôm ở châu Á. Đây là căn bệnh do vi khuẩn gây ra trên tôm. Tôm bị nhiễm bệnh sẽ có biểu hiện ruột và dạ dày rỗng, gan tụy bị tổn thương khiến tôm chết hàng loạt. Tỷ lệ tử vong lớn do dịch gây ra khiến sản lượng tôm toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng trong những năm qua. Sản lượng tôm năm 2013 giảm 15% so với năm 2011. Mặc dù được kỳ vọng với mức tăng trưởng 5% song sản lượng tôm nuôi vẫn giảm 23% so với mức dự đoán của thị trường, tương đương với thiệt hại 5 tỷ USD.
Căn bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2009, sau đó lây lan sang các trại nuôi tôm ở ViệtNam (2010), Malaixia và Bắc Borneo (2011), Thái Lan (2012). Trong năm 2013, lần đầu tiên thế giới ghi nhận EMS xuất hiện ngoài biên giới châu Á, trong đó có Mêxico (do nhập khẩu tôm sống bị nhiễm bệnh ở châu Á). Những nghiên cứu ban đầu tập trung nghiên cứu nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh, trong đó có các nguyên nhân liên quan đến tác nhân gây bệnh, tảo độc và các chất độc. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều thất bại trong việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Năm 2012, các nhà khoa học mới phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh là do một loại vi khuẩn chủng Vibrio parahaemolitycus (VP) xuất hiện trong dạ dày tôm. Từ phát hiện quan trọng này, nhiều phương pháp ứng phó và ngăn ngừa EMS đã được đưa ra giúp nông dân chủ động ứng phó với căn bệnh này, trong đó có phương pháp xét nghiệm chẩn đoán PCR do Tiến sĩ Lightner, Giảng viên Đại học Arizona, phát triển. Nghiên cứu tại các trại nuôi tôm bị bệnh ở Malaixia cho thấy tôm giống bị nhiễm bệnh được nuôi trong các ao có độ pH cao (do tình trạng tảo nở hoa gây ra) đã hình thành ổ dịch. Các tác nhân gây ra EMS có tốc độ phát triển bình thường trong môi trường nước ao nuôi có độ pH từ 7 – 9,5. Nhờ các biện pháp quản lý và xử lý nước thải tốt, sản lượng tôm nuôi tại một số trang trại đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, việc tìm ra một phương pháp hữu hiệu để ứng phó với EMS vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhiệt độ, chất dinh dưỡng và độ mặn trong ao là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mầm bệnh. Vi khuẩn gây ra EMS có xu hướng phát triển mạnh khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao. Ngoài ra, chất dinh dưỡng thừa trong ao nuôi tôm cũng kích thích mầm bệnh phát triển.
Áp dụng các biện pháp thực hành tốt để ngăn ngừa EMS
Qua nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học tại Malaixia phát hiện thấy tôm sú (P. Monodon) không bị nhiễm EMS mặc dù được nuôi cùng ao với tôm thẻ chân trắng. Do đó, việc chuyển hướng sang nuôi tôm sú có thể là giải pháp để hạn chế sự bùng phát của EMS. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra cho người nuôi tôm là nguồn tôm sú giống sạch bệnh không có sẵn. Điều quan trọng là cần tìm ra nguồn cung cấp tôm giống sạch bệnh và ổn định cho người nuôi.
Sử dụng lồng nuôi trong quá trình nuôi tôm cũng giúp phòng tránh EMS, do các lồng nuôi hạn chế tôm tiếp xúc với khu vực đáy ao – nơi tập trung các tác nhân gây bệnh. Tương tự, sử dụng bể chứa ương nuôi tôm, chỉ thả tôm giống được 3 tuần tuổi vào ao nuôi cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trên tôm do lúc này tôm đã trưởng thành hơn, có khả năng phản ứng và thích nghi tốt hơn với những thay đổi trong môi trường nuôi.
Nuôi ghép, sử dụng bioflocs và hệ thống thâm canh đều mang lại tác dụng cho người nuôi tôm trong việc phòng ngừa và ngăn chặn EMS. Giống như việc ngăn chặn bệnh đốm trắng, nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm giúp thúc đẩy sinh trưởng của một số loại tảo có lợi, hạn chế tảo có hại, phá hủy môi trường lý tưởng cho vi khuẩn EMS phát triển. Mặc khác, bioflocs giúp đa dạng hóa các sinh vật trong ao nuôi, ngăn ngừa EMS. Sử dụng các ao thâm canh nhỏ cũng mang lại hiệu quả do việc dọn rửa đáy ao, loại bỏ bùn và xử lý độ mặn được thực hiện dễ dàng. Hệ thống này đã mang lại năng suất cao, ngay cả khi EMS xảy ra.
Nhìn vào quá trình kiểm soát EMS trên quy mô lớn, có thể thấy dịch bệnh này thường xuất hiện ở các vùng nước lợ. Do đó, quản lý tổng thể khu vực cần phải được thực hiện tốt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan giữa các ao nuôi thủy sản thông qua hệ thống cấp thoát nước.
Nhìn chung, để ngăn ngừa EMS hiệu quả cần áp dụng nhuần nhuyễn nhiều biện pháp kết hợp quản lý con giống, thức ăn, ao nuôi. Để ngăn chặn quá trình lây lan dịch bệnh, cần có các biện pháp quản lý nhập khẩu tôm giống, tôm tươi sống từ bên ngoài, đặc biệt là những nơi có dịch xảy ra.
Theo fistenet ,
Reading your article helped me a lot and I agree with you. But I still have some doubts, can you clarify for me? I’ll keep an eye out for your answers.