Thuốc trị bệnh cho cá nói chung và rô phi nói riêng nếu không đúng chủng loại và liều lượng thì không những không hiệu quả mà còn làm cho bệnh nặng hơn.
Bệnh xuất huyết
Bệnh do cầu khuẩn Streptococcus iniae gây nên, thường gặp trên cá rô phi nuôi thâm canh ở giai đoạn nuôi được 2 – 3 tháng.
Cách điều trị: Dùng thuốc kháng sinh Doxyciline hoặc Enrofloxacine để đặc trị bệnh này với liều lượng 2 – 5g/100kg cá/ngày, sử dụng liên tục 5 – 7 ngày. Cũng có thể phối hợp 2 loại kháng sinh này với nhau tỷ lệ 1/1 để trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 3 – 4g/100kg cá/ngày và cho ăn liên tục 5 – 7 ngày. Ngoài ra, khi cá mới có dấu hiệu bị bệnh, có thể dùng thuốc KN-04-12 trộn vào cám, liều lượng 4 gam/1kg cá/ngày, cho ăn 4 – 6 ngày liên tục.
Lưu ý: Thuốc phải được mua ở những cơ sở có uy tín, có nhãn mác và còn hạn sử dụng. Khi mua thuốc kháng sinh phải tránh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, không được để thuốc ở nhiệt độ cao (trên 320C). Kháng sinh dùng chữa bệnh cho cá phải là thuốc kháng sinh của thú y, không được lấy thuốc kháng sinh dùng cho người để dùng cho cá.
Khi trộn thuốc vào thức ăn cho cá chỉ cần trộn thuốc với 1/2 lượng thức ăn hằng ngày để cá ăn được hết.
Đối với cám công nghiệp (cám viên nổi), nên hòa tan thuốc kháng sinh vào một lượng nước bằng 1/8 lượng cám cho cá ăn, sau đó mới trộn vào cám, để 30 phút nơi thoáng mát cho thuốc ngấm hết rồi mới cho cá ăn.
Thức ăn tự chế: Nên nấu chín ở dạng đặc, để nguội, trộn thuốc thật đều sau 30 phút thì nắm lại và cho cá ăn.
Có thể chia lượng cám trộn thuốc làm 2 phần để cho cá ăn vào 8 – 9h và 16 – 17h trong ngày; khi cho ăn nên rải cám đều khắp ao, đảm bảo trên 90% cá được ăn thức ăn trộn thuốc.
Trong thời gian dùng thuốc kháng sinh phải đồng thời diệt hết mầm bệnh trong nước ao bằng Vicato hoặc BKC với liều lượng 0,5 – 1 kg/1.000m3 nước. Thuốc có thể đem hòa vào nước rồi té khắp mặt ao. Nên dùng vào buổi sáng khi có nắng mặt trời, dùng 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 ngày.
Đối với cá sắp đến kỳ thu hoạch, sau khi dùng thuốc kháng sinh này 15 ngày mới được xuất bán.
Bệnh viêm ruột
Bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophia gây nên; thường gặp ở giai đoạn sắp thu hoạch, khi môi trường nước bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng.
Cách điều trị: Dùng thuốc kháng sinh Erythromycine trộn với thức ăn (cách trộn như trên), cho ăn ngày đầu 10 – 12g/100kg cá/ngày, ngày 2 – 7 giảm xuống 2 – 5g/100kg cá/ngày, cho cá ăn thêm chế phẩm sinh học, men vi sinh (trộn theo chỉ dẫn ghi trên bao bì) hoặc Vitamin C giúp cá tiêu hóa tốt hơn và tăng sức đề kháng.
Bệnh trùng quả dưa (ichthyophthyrius multifiliis)
Bệnh xuất hiện và phát triển vào mùa xuân và cuối thu đầu đông, có thể khiến cá nuôi chết hàng loạt.
Cách điều trị: Đối với cá nuôi lồng thì có thể kéo cá lên dùng formol nồng độ 200 – 250 ml/m3 tắm cho cá trong 30 – 60 phút. Đối với cá nuôi trong ao đất thì phun xuống ao với liều lượng 20 – 25 ml/m3, phun 2 lần/tuần.
Trong thời gian chữa bệnh cho cá cần trộn thêm Vitamin C với liều lượng 1 – 2 gam/kg thức ăn/ngày để tăng sức đề kháng cho cá.
Bệnh rận cá (Caligus)
Rận cá gây bệnh trên cá rô phi ở cả môi trường nước lợ và nước ngọt. Bệnh thường xuất hiện nhiều ao cá nuôi có mật độ dày, khi cá bị bệnh nặng thường bị chết hàng loạt.
Cách điều trị: Dùng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 3 – 5g/m3 hoặc Chlorine 1 g/m3 hòa với nước, phun xuống ao 3 – 4 lần (2 ngày phun 1 lần) hoặc dùng Formol 20 – 25 ml/m3 phun xuống ao 2 – 3 lần (2 ngày/lần). Phun vào ban ngày, lúc trời nắng. Trong thời gian dùng thuốc nên giảm 50% lượng thức ăn hằng ngày, trộn Vitamin C với liều lượng 1 – 2 gam/kg thức ăn/ngày để tăng sức đề kháng cho cá.
Theo Thủy sản Việt Nam