Xử lý ô nhiễm môi trường: Khoa học kỹ thuật là tiên quyết

Đó là chia sẻ của TS Nghiêm Vũ Khải (ảnh), Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển thủy sản gây ra. Theo đó, lời giải cho vấn đề này chính là việc cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật.

Thưa ông, vấn đề ô nhiễm trong thủy sản đã được nêu rất nhiều nhưng hướng giải quyết ra sao? Trách nhiệm liên quan những cơ quan nào, là điều người dân thường thắc mắc?

Ở ta ai sẽ là đầu mối ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm trong nông nghiệp? Tất nhiên trước tiên là Bộ NN&PTNT, kinh phí xử lý ô nhiễm phân bổ về Bộ năm nào cũng được ưu tiên, nhưng nếu để xử lý triệt để ô nhiễm thì kinh phí hằng năm không đủ. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho nông dân, nhưng theo tôi, dù nông dân nuôi trồng có lúc chưa đúng quy trình quy chuẩn và cũng có trách nhiệm, nhưng quan trọng hơn là Nhà nước không thể để nông dân sống trong ô nhiễm. Cần phải có những dự án cải tạo môi trường trong ngành thủy sản.

Ngoài ra, VUSTA có hơn 80 hội thành viên và liên quan nhiều đến nông nghiệp và thủy sản cũng là nơi có thể giúp nông dân giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Ông đánh giá thế nào về công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay?

Hiện, công nghệ cao tốn kém không thiếu, nhưng chúng ta nên kết hợp với các phương pháp xử lý ô nhiễm truyền thống ít tốn kém. Riêng ở ĐBSCL còn có vấn đề biến đổi khí hậu, lưu lượng nước thất thường. Tôi từng là đại biểu Quốc hội hai khóa và nhiều lần đi khảo sát đánh giá tại vùng này, thấy không chỉ nuôi trồng mà chế biến cũng gây ô nhiễm. Công nghệ rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó hệ thống pháp luật và ý thức người dân cũng quan trọng không kém. Ở Nhật Bản cũng có ngành thủy sản, người Nhật có quy định rất chặt chẽ về quy trình sản xuất, tiêu thụ, người dân có ý thức rất cao và họ không làm trái quy định; vì thế, thực phẩm của họ tiêu thụ khối lượng rất lớn mỗi ngày mà vẫn đảm bảo tiêu chí ngon, an toàn.

Việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật hay EU đòi hỏi người nông dân và các nhà máy ở Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được các tiêu chuẩn đề ra. Phải chăng hàng thủy sản Việt Nam bị làm khó?

Tôi từng học tiến sĩ ở Nhật và thấy tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của họ rất cao; ví dụ: họ không ăn cá sông và cá cửa sông, chủ yếu ăn cá suối. Công nghệ của Nhật thì rất mới. Gần đây họ còn công bố những máy móc đo độ ô nhiễm trong lòng các hồ nuôi trồng thủy sản để thông báo sớm cho người nuôi xử lý.

Khi là đại biểu Quốc hội, tôi cũng từng gặp một số nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản quan tâm vấn đề ô nhiễm trong ngành thủy sản. Họ cũng nói rằng không thể hạ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn xuống, vì điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Nhật, họ chỉ có thể giúp Việt Nam các giải pháp khoa học kỹ thuật để dần nâng trình độ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường tiên tiến. Họ không thể đi theo hướng hạ tiêu chuẩn; cử tri Nhật không bao giờ đồng tình.

Để giữ vững và phát triển sản phẩm thủy sản ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, chúng ta phải xử lý vấn đề an toàn thực phẩm ra sao, thưa ông?

Người Nhật bảo hộ nông nghiệp rất nhiều, dân số lao động nông nghiệp bình quân 65 tuổi, thanh niên không thích làm nông nghiệp. Nhờ máy móc và kỹ thuật ổn định nên người lớn tuổi vẫn làm nông nghiệp được. Họ muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam lên. Họ cũng cho rằng an ninh lương thực là quan trọng. Kinh tế thị trường, không mấy ai thích làm nông nghiệp. Mặt khác, người dân Nhật muốn ăn ngon, sạch, an toàn thực phẩm giá cạnh tranh, người dân Nhật cũng thích dùng hàng nội địa hơn. Chỉ có những sản phẩm nhập khẩu uy tín chất lượng họ mới dùng; do vậy, họ muốn nâng tầm vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chứ không phải cố tình làm khó ngành nông nghiệp Việt Nam.

Có thể xử lý được ô nhiễm trong thủy sản, vấn đề là với giá nào? Nếu quá đắt có làm không và như vậy có nên nuôi trồng nhiều hay không? Đó là bài toán kinh tế.

Theo ông, vai trò của Nhà nước trong việc xử lý ô nhiễm ngành thủy sản ra sao?

Với trình độ nuôi trồng thủy sản hiện nay và mức lợi nhuận khiêm tốn của người dân, nếu phải gánh thêm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường thì họ không chịu nổi. Với các doanh nghiệp, nếu đưa kinh phí xử lý ô nhiễm vào giá thành thì giá sản phẩm tăng cao. Do đó, vai trò Nhà nước rất quan trọng; cùng đó, các hiệp hội cũng vậy, họ có thể kiểm tra chéo lẫn nhau. Chẳng hạn, khi phát hiện ra các thành viên của mình “chơi xấu” sử dụng kháng sinh hay chất tăng trọng thì sẽ cảnh cáo và xử phạt trước khi Chính phủ phạt. Hiệp hội ở ta, có hiệp hội hoạt động tích cực, nhưng có hiệp hội cũng không phải chịu trách nhiệm gì khi các thành viên của mình gây ra ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến uy tín ngành mình. Cuối cùng, hậu quả là ô nhiễm không được giải quyết từ nội bộ hiệp hội, ngành.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các nhà khoa học tích cực hơn trong lĩnh vực này thì ô nhiễm trong nông nghiệp mới sớm được giải quyết?

Các nhà khoa học không ai quá đề cao tiền bạc. Họ cần sự tôn vinh của xã hội. Những người có động cơ kiếm nhà lầu xe hơi thì không đi theo con đường khoa học. Vấn đề là các ứng xử và thù lao các nhà khoa học cũng phải xứng đáng công sức họ bỏ ra. Nhiều người nói khó khăn thì từng bước giải quyết, nhưng từng bước lâu quá thì những kết quả nghiên cứu biết bao giờ đến với nông dân và nền kinh tế không tận dụng được sự phát triển khoa học kỹ thuật.

Trân trọng cảm ơn ông!

TS Nghiêm Vũ Khải: Các nhà khoa học đã đóng góp rất nhiều vào giải quyết ô nhiễm và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng nếu có sự đãi ngộ và tôn vinh nhiều hơn thì chắc chắn kết quả thu được sẽ tích cực hơn nữa.

Theo Nguyễn Anh (thực hiện), Tạp chí thủy sản Việt Nam, 26/01/2016

4 bình luận trong “Xử lý ô nhiễm môi trường: Khoa học kỹ thuật là tiên quyết”

  1. Reading your article helped me a lot and I agree with you. But I still have some doubts, can you clarify for me? I’ll keep an eye out for your answers.

Ý kiến của bạn