Cuộc nghiên cứu mới về “cá đi bộ” đã giúp khám phá bí mật về sự tiến hóa của các động vật khi di cư từ biển lên đất liền cách đây 400 triệu năm.
Loài cá polypterus nhỏ bé có bề ngoài hết sức bình thường, nhưng chúng sở hữu kỹ năng đặc biệt: được trang bị mang cá lẫn phổi, có thể sống trên đất liền đến 2 năm trong môi trường ẩm ướt.
Khả năng sống lâu trên đất liền, cùng với bề ngoài giống những loài cá từng sống cách đây hàng trăm triệu năm, đã biến palypterus thành hình mẫu hoàn hảo để kiểm tra các giả thuyết về sự di cư của các sinh vật biển lên cạn.
Chuyên gia Emily Standen và đồng sự tại Đại học McGill (Canada) đã nuôi hai nhóm cá trong môi trường nước và trên cạn, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Đến cuối cuộc thí nghiệm, diễn ra gần 1 năm, họ phát hiện nhóm được nuôi trên đất liền đã đi bộ giỏi hơn nhóm nuôi dưới nước.
Bên cạnh đó, cơ thể của nhóm trên cạn đã thay đổi, với phần xương ở vây trở nên cứng hơn.
Không những thế, những thay đổi ở nhóm trên cạn rất giống các thay đổi đã quan sát được ở các hóa thạch của cá tiến hóa dần để thích hợp đời sống trên đất liền, cách đây khoảng 400 triệu năm.
Từ cuộc nghiên cứu trên, các chuyên gia cho rằng đã nắm bắt được những ý tưởng mới về cách thức cá hóa thạch từng sử dụng vây để đi trên đất liền.
Theo Thanh Niên Online, 28/08/2014 ,