Giữa thành phố chật hẹp, cô giáo về hưu Lưu Thị Thanh Loan (TP. Vĩnh Long) đã nghĩ ra diệu kế tiết kiệm: Một giọt nước được sử dụng 3-4 lần, rau bốn mùa và cá nuôi đủ loại không tốn 1 đồng thức ăn.
Một giọt nước dùng 4 lần
Không có khái niệm nước thừa, theo quy trình, nước sạch tại gia đình cô Loan có một chu trình khép kín, đảm bảo tiết kiệm mà vẫn hợp lý. Thông thường, một giọt nước được sử dụng tới 3, 4 lần.
Đầu tiên, nước sinh hoạt trong gia đình như vo gạo, rửa rau… sau lần sử dụng đầu tiên được gom lại vào chậu lớn. Nước này được sử dụng lần hai vào việc tưới cây, rau trồng trên tháp (cao).
Sau khi tưới rau, nước thừa xuyên qua các lỗ nhỏ đục ở thùng xốp, nước này chảy xuống các lỗ để nước thải ra từ phân ruồi lính đen mang theo ấu trùng xuống cho cá. Nước hồ cá được lọc qua đất đã sạch sẽ tạo môi trường tốt cho cá.
Giữa thành phố chật hẹp, cô giáo về hưu đã nghĩ ra diệu kế tiết kiệm: Một giọt nước được sử dụng 3-4 lần.
Không dừng ở đó, các loại đất thủy canh sẽ tiếp tục tận dụng nước bề mặt và dinh dưỡng từ nước hồ cá (phân cá) để phát triển.
Hình thức bổ sung lượng nước nuôi cá từ từ giúp nước trong hồ cá luôn đổi mới, sạch, do vòng luân chuyển nước tiết kiệm và hợp lý. Đồng thời, cách này giúp không tốn sức thay nước cá.
Không chỉ trồng rau, nuôi cá, cô Loan còn sản xuất chuối khô để có sản phẩm bán trên thị trường. Hiện, sản phẩm chuối khô của gia đình cô đang được bán với giá 100.000 đồng/kg. Đồng thời, tận dụng vỏ chuối tạo nguồn ấu trùng dồi dào nuôi cá trong ao. Mô hình sản xuất chuối khô kết hợp nuôi cá, trồng rau, tiết kiệm nước và sử dụng hợp lý nguồn nước thải trong việc tận dụng vỏ chuối và rác thải trong sinh hoạt để tăng thu nhập cho gia đình và bảo vệ môi trường của cô Loan đang thu hút nhiều phụ nữ học tập.
Hiện, cô Loan đã xây dựng nhà vườn diện tích 100 m2, hồ nuôi cá 30 m2. Cô cho biết, trong thời gian tới, cô muốn xây dựng nhà vườn 5 – 8 tầng.
Theo cô Loan, với mô hình này, thu nhập gia đình sẽ tăng từ nguồn kinh tế là bán chuối, tiết kiệm tiền đi chợ từ cá sạch, rau sạch, lại có thể bảo vệ môi trường nhờ tận dụng rác thải sinh hoạt (thùng xốp, chai nhựa, ly nhựa, rổ nhựa, tiết kiệm nước và sử dụng hợp lý nguồn nước thải.
Khi trồng rau, cô Loan còn tiết kiệm nước và sử dụng hợp lý nguồn nước. Rau sạch được thu từ các nguồn: trồng trên tháp đất được làm bằng thùng xốp và chai nhựa, trồng trên đá, trên hồ cá, trồng thủy canh… Hiện nay, lợi nhuận từ mô hình này mỗi tháng mang lại cho cô khoảng 2 triệu đồng.
Nước hồ cá được lọc qua đất đã sạch sẽ tạo môi trường tốt cho cá.
Hiện nay, cô Lưu Thị Thanh Loan đã thành lập DN chuyên sản xuất chuối sấy dẻo chất lượng, hợp vệ sinh; đăng ký thành công nhãn hiệu để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều đáng nói, tất cả chị em phụ nữ đều có thể áp dụng mô hình này để tăng thu nhập gia đình.
Nuôi cá nhờ rác thải
Tọa lạc trên đường 14 tháng 9, phường 5, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, gia đình cô Lưu Thị Thanh Loan có một hồ nuôi cá diện tích 30m2.
Khi trồng rau bằng thùng xốp, cô Loan cũng kết hợp nuôi trùn (giun) để đất vừa tơi xốp lại có thêm thức ăn các loại cá đang nuôi.
Với hồ cá này, cô có thể nuôi tới 4 loại cá là: thác lác, cá chép, tai tượng và sặc rằng. Điều đặc biệt là, những con cá lên tới hàng kg nhưng cô Loan không hề phải mua một đồng thức ăn nào. Thức ăn chính là từ nguồn rau sạch tại nhà và ấu trùng sinh ra từ rác thải.
Cô Loan cho biết: Rác thải hữu cơ hàng ngày của gia đình như vỏ hoa quả, vỏ chuối làm chuối khô, thức ăn thừa… được cho vào thùng xốp, tạo độ ẩm và thoáng khí. Sau đó, sử dụng ruồi lính đen phân hủy rác thải. Trong quá trình phân hủy, ruồi lính đen cái có khả năng đẻ 500 trứng, trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng này sẽ được cho cá ăn khi chưa thành ruồi.
Không chỉ tạo nguồn thức ăn cho cá bằng các ấu trùng ruồi lính đen, khi trồng rau bằng thùng xốp, cô Loan cũng kết hợp nuôi trùn (giun) để đất vừa tơi xốp lại có thêm thức ăn các loại cá đang nuôi.
Cô chia sẻ: Với rau trồng trên tháp sẽ sử dụng các thùng xốp có đục lỗ xung quanh. Khi xử lý đất thì mình cho trùn đất vào. Khi tưới nước, trứng trùn sẽ được nhân rộng ra các hộp đất khác, tạo thức ăn cho cá, khi cần, có thể khai thác trùn ngay trên đất, tiết kiệm tiền mua thức ăn cho cá.
Theo VietNamNet, 14/11/2015 ,