Ngoài việc giảm vật chất hữu cơ và vật chất dinh dưỡng trong hệ thống nuôi bằng cách quản lý chất lượng thức ăn và quản lý cho ăn thì hệ thống xử lý nước thải và các phương pháp sinh học cũng được nghiên cứu. Tuy nhiên, việc sử dụng ao lắng ít có hiệu quả trong việc giảm tổng hàm lượng đạm và phospho, đặc biệt là nếu các ao lắng được vận hành liên tục thì sẽ tích lũy nhiều vật chất hữu cơ. Đối với biện pháp sinh học, việc xây dựng hệ thống thảm vi sinh vật cho thấy chất lượng nước nuôi tôm được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vật chất dinh dưỡng, vật chất hữu cơ được tích lũy hoặc giữ lại trong lớp trầm tích như vi khuẩn, tảo và thực vật, những thứ này cần được loại bỏ theo thời gian. Điều đó, làm tăng chi phí cho hệ thống nuôi. Hệ thống nuôi kết hợp được xem là chiến lược giảm thiểu tối đa chất thải từ hệ thống nuôi. Một số nghiên cứu đã được báo cáo về nuôi tôm kết hợp với 2 mảnh vỏ, rong biển. Cá cũng được nghiên cứu trong nuôi kết hợp với tôm để loại bỏ các hạt hữu cơ trong nước. Cá rô phi là loài ăn tạp có hiệu quả trong việc sử dụng chất thải trong nuôi thâm canh.
Thí nghiệm được thực hiện trên bể có thể tích 2×2,5×1,1 m3, độ mặn 25ppt. Hệ thống tuần hoàn được vận hành 12h (7:00-19:00). Thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức: nghiệm thức 1 nuôi đơn (đối chứng), nghiệm thức 2 đến nghiệm thức 6 kết nối với hệ thống tuần hoàn và bể cá. Nghiệm thức 2 không bổ sung cá, và bể đó có chức năng như bể lắng. Nghiệm thức 3 đến nghiệm thức 6 thả cá với mật độ lần lượt từ 0,4-3 con/m2, mật độ tôm ở các nghiệm thức 40 con/m2. Tôm được cho ăn 5 lần/ngày, lượng thức ăn từ 5-10%, trong khi đó cá rô phi không được cho ăn. Trọng lượng tôm ban đầu 1,41 ± 0,85 g, cá rô phi được thả nuôi từ tuần thứ 2, trọng lượng trung bình cá rô phi thả nuôi kết hợp là 108,2 ± 14,7 g.
Sau 56 ngày thí nghiệm kết quả cho thấy, tốc độ tăng trưởng của tôm và thu nhập trong nghiệm thức 2 (404± 76 USD) cao hơn đáng kể (p<0,05) so với nghiệm thức 5 (193 ± 35 USD) và 6 (145 ± 25 USD) nhưng không khác biệt so với nghiệm thức 1 (279 ± 46), 3 (234 ± 36) và 4 (312 ± 11). Tốc độ tăng trưởng của cá rô phi trong nghiệm thức 3 cao hơn đáng kể (p<0,05) so với các nghiệm thức khác. Tỷ lệ chuyển hóa đạm thành sinh khối tôm và cá rô phi của nghiệm thức 3 đến nghiệm thức 5 (51%; 51,1%; 48,5%, theo thứ tự) cao hơn đáng kể so với nghiệm thức 1(40,4%) (p<0,05). Nghiệm thức 6 (45,4%) cho thấy có tỷ lệ chuyển hóa đạm thấp hơn so với các nghiệm thức có tỷ lệ cá rô phi với tôm thấp hơn. Tỷ lệ chuyển hóa phospho thành sinh khối của tôm và cá rô phi từ nghiệm thức 3 đến nghiệm thức 6 cao hơn đáng kể (p<<0,05) so với nghiệm thức 1 và 2.
Kết quả cho thấy, mật độ cá rô phi thả nuôi cải thiện đáng kể tỷ lệ chuyển hóa phospho nhưng tỷ lệ chuyển hóa đạm và tốc độ tăng trưởng của tôm giảm cùng với gia tăng mật độ cá rô phi. Qua các thông số cho thấy, trong hệ thống nuôi kết hợp với tỷ lệ cá rô phi và tôm ở mức từ 0,01-0,025 cải thiện đáng kể tỷ lệ chuyển đổi dinh dưỡng cho vật nuôi mà không làm giảm tăng trưởng của tôm.
Source: Muangkeow B., Kou, I., Sorawit, P. and Yang, Y., 2007. Effects of white shrimp, Litopenaeus vannamei (Boone), and Nile tilapia, Oreochromis niloticus L., stocking density on growth, nutrient conversion rate and economic return in intergrated closed recirculation system. Aquaculture 269, pages 363-376.
Theo Vietnam Aquaculture Network, 17/10/2014 ,