Cách đây 10 năm, các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên thế giới đã dự báo cá tra Việt Nam sẽ trở thành loài thủy sản nuôi đầy tiềm năng. Sản lượng cá tra tăng từ 100.000 tấn lên 1.000.000 tấn trong vòng 10 năm.
Nhiều chuyên gia vẫn trăn trở, ngoài cá tra còn loài cá nào tiềm năng hơn có thể đạt năng suất 500.000 tấn/năm? Giờ đây không chỉ Việt Nam nuôi cá tra, Indonesia, Philippines cũng bắt đầu nuôi loài cá này. Indonesia vẫn tập trung nuôi cá rô phi, cá chép, tôm thẻ, tôm sú và gần đây để đa dạng hóa giống thủy sản, Indonesia mở rộng nuôi cá tra (đối tượng nuôi được coi là đầy tiềm năng). Tổ chức Hòa bình xanh đã công nhận vài cơ sở nuôi cá tra tại Việt Nam đạt chứng nhận ASC, tuy nhiên, phần lớn hộ nuôi cá tra tại châu Á đều không đảm bảo tính bền vững, nhất là nguồn thức ăn. Các loài cá nổi nhỏ vùng ven biển vẫn bị tận diệt để chế biến thức ăn thủy sản, trong đó có cá tra.
Do đó, Việt Nam, Thái Lan hay Ấn Độ, khó có thể trở thành cường quốc về NTTS được. Tại Manipur, đông bắc Ấn Độ, nguồn thực vật thủy sinh rất dồi dào nhưng chưa được tận dụng làm thức ăn cho cá do tính kết nối giữa ban ngành còn kém. Cá trắm cỏ trở thành loài nuôi thích hợp nhất, chủ yếu nuôi ghép, tăng trưởng nhanh. Kể từ khi giá cá đi xuống, nhiều nông dân đã chuyển hướng nuôi cá tra, basa. Trước đó, họ cũng đã thử nuôi cá trê châu Phi nhưng do chúng thoát ra ngoài tự nhiên quá nhiều nên bị cấm. Nguồn giống chất lượng đang là vấn đề nan giải. Nông dân vẫn tự sản xuất giống, không có sự chọn lọc và quản lý dẫn tới nguy cơ thoái hóa giống và tăng trưởng chậm.
Với Chilê thì khác, nơi đây có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc về NTTS, họ có những chính sách rất khôn ngoan. Họ không vì khủng hoảng của ngành cá hồi trong những năm gần đây mà vội vã chuyển sang các giống thủy sản mới. Họ khống chế dịch bệnh, tập trung nuôi các loài thủy sản truyền thống của địa phương; Dù gần đây nhiều nước châu Âu bắt đầu chi rất nhiều tiền nghiên cứu các giống cá mới để đa dạng giống nuôi trồng thủy sản. Hiện, Chilê đang nuôi cá bơn vằn răng thưa (Paralichthys adspersus), một trong số những loài cá lớn rất nhanh và có giá đắt nhất tại đây. Chúng cũng có tiềm năng, có thể đánh bật cá tra để trở thành đối tượng nuôi chủ lực, phổ biến của ngành thủy sản.
Song song với việc tìm đối tượng nuôi tiềm năng, cần mở rộng NTTS trong tương lai, có 2 cách quan trọng: Thứ nhất, tăng sản lượng của những loài nuôi quen thuộc. Thế giới đang có 15 loài thủy sản nuôi cơ bản nhất. Theo quan điểm của tôi, vẫn cứ nuôi những loài thủy sản có thị trường tiêu thụ rộng lớn, hợp khẩu vị người tiêu dùng. Thứ hai, chúng ta có thể tăng sản lượng thủy sản bằng cách đa dạng hóa giống loài. Nhưng hầu hết nhà sản xuất thủy sản lớn trên thế giới tỏ ra lưỡng lự với cách làm này vì phát triển một giống cá mới tốn kém thời gian và tiền bạc. Na Uy đã chi ra hàng tỷ USD suốt 2 thập kỷ để phát triển nghề nuôi cá halibut, loại cá đặc sản của California, sau đó, đầu tư nuôi cá tuyết nhưng kết quả không khả quan do sản lượng rất thấp.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta nên từ bỏ ý định phát triển giống cá mới bởi có thể, giống cá mà Na Uy đưa về không thành công khi nuôi ở Na Uy nhưng có thể thành công ở một quốc gia khác. Tóm lại, có rất nhiều loài cá nuôi đầy tiềm năng, tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào môi trường, cách thức nuôi.
Giáo sư sinh lý học động vật, Đại học Gothenburg, Thụy Điển
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 22/10/2014 ,