Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam thích hợp phát triển nhiều loài cá cảnh nội địa và nhiều loài cá đẹp quý hiếm (cả nước mặn và ngọt). Và, hầu như các loại cá cảnh trên thế giới đều đã có ở Việt Nam. Ngành cá cảnh Việt Nam có thể phát triển mạnh như Singapore, Malaysisa… nếu thực sự được quan tâm và xác định đúng hướng.
Tiềm năng lớn từ cá cảnh
Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển nghề nuôi cá cảnh do có khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và sự đa dạng của các hệ thống sông, kênh.
Hiện, nhu cầu nuôi cá cảnh ở Việt Nam ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã có đến gần 30.000 người có nhu cầu và điều kiện nuôi cá cảnh.
Nhiều giống cá cảnh có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam như cá thái hổ, nàng hai, sơn xiên, mang rỗ,… ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới như châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều do chưa sản xuất giống mà chỉ khai thác ngoài tự nhiên. Cho đến nay, nước ta mới chỉ chủ động sản xuất giống được một số ít các loại cá cảnh như cá dĩa, chép Tàu vàng, ông tiên, xiêm, neon, bảy màu… Còn lại, phải nhập khẩu một số lượng lớn giống các loài cá cảnh chủ yếu ở một số nước và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Philippines. Qua khảo sát, có khoảng 40 loài cá nhập nội, gồm các loại cá chính là: chuột ba sọc, thành cát tư hãn, hoàng tử, neon đỏ, nhật đăng, kim long, ngân long, ali, chim dơi, chuột trắng, hỏa tiễn… Phần lớn cá cảnh nhập khẩu dùng để làm giống, chỉ một số ít để phục vụ cho thị trường trong nước.
Một số loài cá cảnh nuôi phổ biến
Cá bảy màu hay còn gọi là cá Guppy, là một trong những loại cá cảnh phổ biến nhất thế giới. Tuy có kích thước nhỏ bé, nhưng lại là loài cá đa dạng về màu sắc nhất. Đây là cá bản địa của Trinidad và Tobago và một số khu vực thuộc Nam Mỹ. Ở Việt Nam, cá bảy màu tại có hai loại chính là cá bảy màu đuôi rắn và bảy màu thân xanh đen, đuôi màu xanh biếc, đỏ điểm vạch trắng.
Cá neon, là loài cá được nhiều người lựa chọn bởi dễ nuôi, hiền lành, có nhiều màu sắc, đặc biệt là bơi thành đàn rất đẹp. Đây là loài cá có nguồn gốc từ Nam Mỹ ở những lưu vực sông Negro và Orinoco.
Với nhiều màu sắc khác nhau, cá mún hay còn gọi là cá hòa lan là sự lựa chọn hoàn hảo cho người mới nuôi cá cảnh. Cá mún rất dễ nuôi vì chúng thích ứng rộng với nhiều môi trường sống và thức ăn cho chúng rất đơn giản. Chúng có thể ăn rêu, mốc giúp dọn sạch bể nuôi. Trên thị trường rất hiếm gặp giống cá mún thuần chủng. Cá mún được nhập nội từ thập niên 70, hiện cá đã được sản xuất giống ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Có đặc điểm tương tự cá mún, cá kiếm là đối tượng khá phổ biến, được người nuôi lựa chọn bởi dễ nuôi, hiền lành, có thể nuôi chung với các loài cá cảnh khác như cá phượng hoàng, tứ vân, cánh buồm, thần tiên, hồng gấm…
Cá dĩa là một trong những loài đẹp nhất trong các loài cá cảnh nước ngọt. Với nhiều màu sắc hoa văn khác nhau đã giúp cho loài cá này đứng vững trên thị trường cá cảnh. Cá có xuất xứ từ Nam Mỹ, khi trưởng thành chúng đạt kích thước tối đa 20 cm, thân tròn, miệng và mang nhỏ, bơi nhẹ, thành đàn trong tự nhiên.
Là một loài có màu sắc tươi sáng, phối từ các màu cơ bản như: trắng, đỏ, đen, vàng, cam. Vì vậy, cá chép Koi rất phù hợp nhất với những biệt thự có kiến trúc sang trọng. Cá có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng được người Nhật Bản lai tạo đẹp về màu sắc và đắt giá. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể sống trong môi trường không bị hạn chế về không gian và kích thước. Cá chép Koi sống rất thọ, càng lớn càng đẹp và có giá trị.
Một điểm sáng trên bản đồ cá cảnh thế giới
Ngành cá cảnh Đài Loan là một kiểu mẫu nghiệp công nghệ cao được đầu tư bài bản nhờ ứng dụng công nghệ sinh học và là gương điển hình cho nhiều nước noi theo.
Dịch vụ tốt
Người nuôi cá cảnh ở Đài Loan được ví như những nhà tạo mốt trong làng thời trang. Màu sắc và hình dáng cá luôn được đầu tư nghiên cứu sâu và kỹ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Cá cảnh nuôi ở Đài Loan giá thường cao gấp đôi mức trung bình nhờ chất lượng vượt trội, sự độc đáo, sáng tạo trong từng sản phẩm. Ngoài nuôi và bán cá. Nhiều trại cá cảnh ở Đài Loan còn nhận cung cấp thiết bị đi kèm như bể nuôi, cây trồng thủy sinh, thức ăn, thuốc và hệ thống trợ giúp cá. Doanh số bán các mặt hàng này thậm chí cao hơn doanh số bán cá.
Các trại cá lớn đều tập trung ở phía nam Đài Loan. Cá Ali châu Phi được nuôi nhiều nhất (chiếm 33% tổng số lượng, tiếp theo là cá Hồng Két (chiếm 25% tổng số lượng) và cá Ali Nam Mỹ (chiếm 20%). Theo ông Chu Tah-wei, Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Hải dương Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan nuôi được hơn 400 loài cá cảnh và dư sức cung cấp các loài cá cảnh quý nhất thế giới. Khí hậu thích hợp cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Đài Loan phát triển ngành cá cảnh. Đài Loan được đánh giá là nước cung cấp cá cảnh tốt nhất nhờ dịch vụ mua hàng trọn gói một lần, giao hàng nhanh, kỹ thuật đóng gói hàng tiến bộ, tỷ lệ hư hại luôn dưới 5% trong vận chuyển.
Hội chợ cá cảnh quốc tế tại Đài Loan
Đầu tư bài bản
Nhắc đến cá cảnh Đài Loan và những dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế, người ta nghĩ ngay đến Trung tâm điều hành nuôi trồng thủy sản khu công nghiệp Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Ping-Tung (PABP) cách Đài Bắc 380 km. Năm 2013, khi mô hình kinh tế tự do thử nhiệm (FEPZ) được đưa ra, PABP là một trong 8 khu kinh tế thử nghiệm và sớm thu hút sự tham gia của 17 công ty chuyên cá cảnh. Trong mô hình FEPZ, cá cảnh được quan tâm đặc biệt, trong kế hoạch giúp Đài Loan thay đổi nền kinh tế và tận dụng cơ hội khi gia nhập “cuộc chơi” toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách Đài Loan đã đặt ra nguyên tắc phát triển riêng cho ngành cá cảnh theo hướng tạo giá trị gia tăng cao nhưng không hy sinh môi trường. Ngành cá cảnh là một trong 6 ngành nông nghiệp kỹ thuật cao nằm trong chiến lược phát triển của Đài Loan. Công nghệ sản xuất, nhân giống trong ngành này luôn được chú trọng. Tới thăm PABP, khách hàng đều ấn tượng trước những con tôm cảnh nhỏ xíu, thân chỉ nhỉnh hơn cánh trà khô nhưng giá tới 20 USD/con; tôm giống bố mẹ giá cao gấp 1.000 lần. Công nghệ biến đổi gen cũng giúp trung tâm này có nhiều sản phẩm độc nhất vô nhị với nhiều loại cá cảnh màu hồng, tím, xanh dương đậm phát quang trong những căn phòng tối. Hằng năm, Đài Loan tổ chức Hội chợ cá cảnh quốc tế để quảng bá sản phẩm cá cảnh Đài Loan tới khắp thế giới.
Các trại nuôi cá cảnh tại Đài Loan luôn sử dụng nước sạch và thường xuyên kiểm tra chất lượng nước theo tuần, quý. Nước thải được xử lý thông qua nhà máy xử lý chất thải đạt chuẩn quốc tế. Trại nuôi tích hợp đủ hệ thống sản xuất hiện đại và khép kín từ kiểm dịch, con giống, giao hàng, văn phòng và khu sinh sống của công nhân. Năm 2003, Đài Loan sản xuất thành công cá phát quang biến đổi gen đầu tiên trên thế giới – được Tạp chí Times bình chọn là một trong 40 sáng chế độc đáo nhất hành tinh.
Để đưa ngành cá cảnh Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước nên có trách nhiệm quản lý, kiểm soát, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập các giống mới phục vụ nghiên cứu sản xuất con giống…
Thứ hai, phổ biến, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu. Công tác nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị hiếu người tiêu dùng cần được quan tâm. Thường xuyên tổ chức tham gia các hội thi về cá cảnh trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm, tạo đầu ra cho người nuôi cá cảnh, giới thiệu sản phẩm cá cảnh cho các thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, chuyên thực hiện việc nghiên cứu, lai tạo giống cá cảnh mới.
Thứ tư, có chính sách cho phép các trung tâm nghiên cứu, khu nông nghiệp công nghệ cao chủ động nhập các giống mới về lai tạo và xuất khẩu các giống cá cảnh ngoại lai nhưng không được tiêu thụ thị trường trong nước do ngại ảnh hưởng cân bằng sinh thái.
Thứ năm, xây dựng kho tư liệu về dịch tễ nhằm kiểm soát và khống chế dịch bệnh từng vùng, từng loài khi xảy ra dịch bệnh; Phát triển các kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị và kiểm soát dịch bệnh trên cá cảnh, đảm bảo các vấn đề an ninh sinh học trong việc nuôi cá cảnh.
Thứ sáu, Nhà nước phải có chính sách thỏa đáng để khuyến khích phát triển, có chiến lược phát triển và tích cực tạo nên các yếu tố pháp lý kỹ thuật để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh có điều kiện tiếp cận thị trường mới.
Ngoài ra cũng nên miễn thuế nhập giống cá cảnh. Và cuối cùng cũng cần rà soát các văn bản quản lý động vật ngoại lại cho phù hợp với việc kinh doanh cá cảnh.
Cá cảnh nước ngọt là đối tượng kinh doanh chính, chiếm tỷ lệ 95% vì dễ nuôi, dễ chăm sóc. Cửa hàng kinh doanh cá cảnh biển chiếm tỷ lệ 5% vì cần phải có nguồn nước mặn để thay và bổ sung, chăm sóc phức tạp nên người chơi cá cảnh biển cũng rất hạn chế.
Theo Tôm Vàng, 25/10/2015 ,
I am a student of BAK College. The recent paper competition gave me a lot of headaches, and I checked a lot of information. Finally, after reading your article, it suddenly dawned on me that I can still have such an idea. grateful. But I still have some questions, hope you can help me.