Ngọc trai là loại đá quý duy nhất được tạo ra từ một vật thể sống là con trai. Ngọc trai tự nhiên hiện nay rất ít, chủ yếu là ngọc do nuôi cấy trên trai nước ngọt và nước mặn. Chất lượng ngọc trai phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật khi cấy ngọc nhân tạo.
Tuyển chọn
Trong kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo cần có hai loại trai. Trai nguyên liệu (để lấy miếng màng áo) và trai kỹ thuật (dùng để cấy ngọc) có kích thước 6 – 9 cm, (cỡ 2 – 3 tuổi), khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh (phiến sinh trưởng thưa, rõ ràng, vân phóng xạ rõ, đều). Màng áo nguyên vẹn, dày, không có vết bẩn, không dị dạng. Ngoài ra trai kỹ thuật còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn: tơ chân ít để dễ thao tác, cơ khép vỏ không bị đứt, tuyến sinh dục không phát triển.
Chuẩn bị dụng cụ
Trước khi cấy hạt cần chuẩn bị các dụng cụ: kìm mở vỏ chai, chêm gỗ, dao cắt cơ khép vỏ, dao cắt miếng màng áo, 2 panh nhỏ, 2 cốc đốt, tấm mút, tấm kính hoặc thớt gỗ, khăn lau, bông, kim thông đường, kim móc, kim cấy hạt, kim cấy miếng màng áo, hạt cấy.
Kỹ thuật cắt miếng màng áo
Cắt đứt cơ khép vỏ, tách đôi trai, cắt rời miếng màng áo. Đưa miếng màng áo lên tấm mút để hút hết chất bẩn, nhớt trên hai mặt của miếng màng áo. Đem miếng màng áo đặt trên tấm kính hoặc thớt gỗ, dùng bông thấm nước biển lọc sạch, lau nhẹ. Cắt mép màng áo chú ý đặt phần tế bào phân tiết ngọc lên trên. Cắt miếng màng áo cho vào dung dịch thuốc đỏ 5%, cắt miếng màng áo thành nhiều miếng nhỏ có kích thước 2 – 4 mm. Chú ý cắt nhanh, gọn, chính xác. Dùng bông thấm nước biển lọc sạch để cạnh, nhằm giữ ẩm các miếng màng áo hoặc cho ngay các miếng màng áo mới cắt vào dung dịch nuôi dưỡng PVP 1,5%.
Kỹ thuật cấy nhân
Xếp trai vào khay men, phần lưng phía dưới, cho xuống nước 300C, sau 30 – 60 phút để trai mở vỏ hoặc cho trai vào lồng, đưa xuống đáy một ngày rồi kéo lên nhanh; bị kích thích trai mở vỏ. Ngoài ra có thể lấy mũi kìm lách vào hai mép vỏ, từ từ mở kìm ra. Độ mở của mép vỏ 1,5 – 2 cm là vừa, dùng chêm gỗ chêm vào phía trước mặt bụng cơ khép vỏ. Đặt lên giá cấy, giữ chắc chắn. Dùng que mái chèo cuộn bông rửa sạch chân, hai mép vỏ và gờ nội tạng. Có thể cấy nhân tròn hoặc cấy nhân hình bán nguyệt.
Cấy nhân tròn ở 3 vị trí cấy khác nhau: Thứ nhất, cấy ở gờ nội tạng (cỡ hạt cấy lớn). Tay trái cầm móc, đè chân xuống, tay phải dùng dao mổ miệng cấy. Đặt mũi dao ở gốc chân vị trí ranh giới đường tế bào sắc tố của chân. Dùng dao rạch một đường nhỏ hơn đường kính của hạt cấy, cắt một lần, không cắt sâu. Dùng móc móc nhẹ miệng vết mổ, đưa thẳng que thông đường vào sâu 2 – 3 cm, quay kim thông đường 1 góc 45 độ phía dưới gờ nội tạng. Rút kim thông đường ra theo hướng quay chiều ngược lại. Tay trái dùng móc móc miệng cấy lên, tay phải cầm kim lấy hạt đưa hạt vào vừa đến miệng, đẩy nhẹ hạt vào bên trong từ 1/2 đến 2/3 hạt, rút kim lấy hạt ra. Dùng kim thông đường đẩy nhẹ cho hạt vào trong, quay kim đưa hạt về gờ nội tạng, sau đó rút kim ra theo chiều ngược lại. Dùng kim cấy miếng màng áo cắm vào một góc màng áo. Tay trái dùng móc để móc miệng cấy, tay phải dùng kim đưa miếng màng áo vào trong, quay kim về phía gờ nội tạng để miếng màng áo chạm hạt. Sau đó đưa ra phía sau hạt, dán miếng màng áo sát vào hạt không có nếp gấp. Thứ hai là cấy trước xoang bao tim (cỡ hạt cấy nhỏ): tạo đường cấy 1,5 – 2 cm trước xoang bao tim. Các thao tác cấy tiếp theo tương tự cấy ở gờ nội tạng. Thứ ba, cấy ở gốc xúc biện (cỡ hạt cấy nhỏ nhất): Đưa kim thông đường vào miệng cấy, sâu 0,5 – 1 cm thì quay kim một góc 30 độ lên phía gốc xúc biện để tạo vị trí cấy. Các thao tác cấy tiếp theo tương tự cấy ở gờ nội tạng. Mỗi trai kỹ thuật cấy từ 1 – 5 nhân. Sau khi thực hiện xong các thao tác cấy xong, cần rút chêm ra nhanh và đưa vào nuôi ngay.
Cấy nhân hình bán nguyệt: thực hiện trên trai ngọc môi vàng và trai ngọc môi đen. Mở vỏ trai, đưa lên giá cấy, lau sạch chân, mép vỏ, gờ nội tạng. Gạt màng áo về phía trên nội tạng rồi lau sạch, khô mặt trong phần vỏ mà màng áo vừa gạt lên. Bôi một lượng keo vừa đủ dán nhân lên mặt trong của hai vỏ. Nếu cấy ở vị trí đối xứng thì phải lệch nhau để khi khép vỏ nhân không chồng lên nhau. Sau khi dán nhân xong phải vệ sinh lần nữa, rút chêm và đưa trai đi nuôi.
Kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc
Sau khi cấy, trai yếu, đưa vào nuôi tạm trong các lồng nuôi bằng tre hoặc nhựa có kích thước 40 cm x 30 cm x 10 cm, mật độ 40 con/lồng. Các lồng nuôi được treo trên giàn, bè tại nơi có điều kiện môi trường và dinh dưỡng thích hợp, dễ chăm sóc. Sau 25 – 30 ngày chuyển sang nuôi thành ngọc. Nuôi thành ngọc có thể nuôi bãi theo hình thức lập thể hoặc có thể nuôi trong lồng hình chóp cụt có kích thước 40 cm x 30 cm x 10 cm và được chia thành nhiều ô nhỏ. Mật độ nuôi 40 con/lồng. Ngoài ra có thể khoan lỗ nhỏ ở tai trước, sâu vào dây cước, khoảng cách hai con là 20 cm. Sau đó treo dây nuôi trên dàn, bè, phao dây hoặc quấn dây nuôi trên cọc nuôi. Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, dây nuôi. Nếu lồng nuôi quá bẩn thì thay lồng khác. Khi môi trường có biến đổi đột ngột thì phải di chuyển đến vùng nuôi mới. Thường xuyên kiểm tra thiết bị nuôi, gia cố lồng bè.
Thời gian nuôi để lấy ngọc là 1 – 2 năm, trong đó 4 – 5 tháng cuối nuôi ở điều kiện cho ăn đặc biệt để gây màu cho ngọc. Thức ăn có nhiều kẽm, natri thì ngọc có màu hồng, thức ăn có nhiều bạc thì ngọc có màu óng ánh bạc. Thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa đông thì tỷ lệ ngọc đẹp cao.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 23/01/2015 ,
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article. https://www.binance.com/fr/register?ref=53551167
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article. https://accounts.binance.com/sl/register-person?ref=GJY4VW8W