Để tận dụng mùa nước lũ, nông dân các huyện ở Cần Thơ đã thả nuôi các loài thủy sản trên ruộng lúa và sông rạch.
Để tận dụng mùa nước lũ, nông dân ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã thả nuôi các loài thủy sản trên ruộng lúa và sông rạch gồm cá chép, rô phi, mè hoa, mè vinh, lóc, thát lát và ếch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi trong đồng
Xã Thới Hưng, Cờ Đỏ có 1.500 hộ nuôi cá trong ruộng, tổng diện tích nuôi trên 3.300 ha mặt nước. Ông Đỗ Văn Thông, ấp 1, xã Thới Hưng cho biết: “Sau khi làm xong vụ lúa TĐ trên 6 công ruộng, không để đồng trống, tôi tiếp tục thả cá nuôi nhằm tận dụng nguồn nước. Đến nay đãcuối vụ lũ và đàn cá đang phát triển tốt, sắp thu hoạch để trả lại mặt bằng xuống giống vụ ĐX kế tiếp. Ước tính vụ cá năm nay, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng”.
Theo ông Thông, điểm chính của mô hình nuôi cá trong ruộng là tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu rầy cũng như các loại hoá chất khi làm lúa. Phải đảm bảo nguồn nước trong ruộng sạch thì mới nuôi được. Nuôi cá vào mùa lũ cần có lưới bao xung quanh để tránh hao hụt. Thức ăn cho cá không cần tốn nhiều, vì tận dụng róc rạ cho chúng ăn”.
Sau khi thu hoạch vụ lúa TĐ, anh Lê Văn Thanh ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã khép kín 1,3 ha đê bao để thả cá trong ruộng. Trên mặt đê, anh còn trồng kết hợp thêm dưa leo, khổ qua.
Theo anh Long, nuôi cá trong ruộng vào mùa lũ không cần tốn thức ăn. Cá chép sẽ ăn lúa còn sót lại hoặc trùn nước, cá mè ăn rong rêu, cá lóc săn các loại cá nhỏ như lòng tong, cá linh. Nhờ vậy mà anh giảm được chi phí, mỗi vụ thu lời từ 15 – 20 triệu đồng.
Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: “Nhiều năm nay mô hình nuôi cá trong ruộng tăng dần diện tích. Đặc biệt mùa lũ năm nay, diện tích mặt ruộng thả nuôi trên toàn huyện đã đạt gần 7.000 ha. Mô hình đem lại lợi nhuận không thua gì trồng lúa. Chỉ cần đầu tư con giống ban đầu. Còn về sau không phải tốn nhiều công chăm sóc hay tiền thức ăn mà cá vẫn lớn. Hết vụ lúa, bà con tận dụng gốc rạ, lúa chét để thả cá”.
Theo ông Trí, nuôi cá trong ruộng có nhiều cái lợi, vụ sau giảm được lượng phân bón đáng kể từ 20 – 30%. Tuy mô hình đơn giản dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao xung quanh ruộng để hạn chế sinh vật vào ruộng ăn cá. Đồng thời, đảm bảo cho cá không thất thoát ra ngoài trong suốt quá trình nuôi.
Nuôi trên sông
Song song đó, mô hình nuôi thủy sản trong vèo trên sông rạch cũng phát triển khá mạnh, mang lợi nhuận không thua gì so với nuôi cá trong ruộng. Nuôi ở dạng này phổ biến nhất là các loại cá lóc, cá trê, cá thát lát và ếch Thái.
Anh Nguyễn Văn Hiền, ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân bỏ ra 1 triệu đồng mua 2.000 con cá lóc giống đem về nuôi trong vèo (lưới ngang 2 x 4 m) dưới dòng kênh Bà Đầm trước cửa nhà mình. Anh cho biết: “Đến nay đàn cá đã được 3,5 tháng tuổi, nhìn chung cá phát triển mạnh, ăn khỏe. Dự định hai tuần nữa tôi có thể thu hoạch trên 1,2 tấn cá. Nếu bán với giá 30.000 – 35.000 đ/kg, lời từ 7 – 8 triệu đồng, còn nếu giá cao hơn tôi kiếm được cũng chục triệu đồng”.
Vụ nuôi năm nay anh rút được nhiều kinh nghiệm, vì là vụ thứ 3 anh thả nuôi. Anh Hiền nói: “Kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo rất đơn giản, nhưng điều cần chú ý là chọn mua con giống tốt và nuôi trong môi trường nước sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu hay nước bẩn của phân gia súc. Cũng cần chú ý nguồn thức ăn cho cá phải tươi sống. Nếu đáp ứng những yêu cầu đó cá sẽ phát triển mạnh, tỉ lệ hao hụt thấp”.
Anh Trần Thanh Dũng ở cùng ấp nuôi 4 vèo cá thát lát và 2 vèo ếch Thái khoảng 1.000 con, sẽ thu hoạch bán trong dịp Tết này. Anh Dũng nói: “Nuôi cá trong những tháng mùa lũ khỏe cái là không nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà đa phần tận dụng việc kiếm nguồn cá mồi trong mùa lũ để phục vụ cá nuôi. Chính vì vậy năm nào gia đình cũng thu lãi trên 20 triệu đồng, có tiền đầu tư phân bón, thuốc BVTV và lúa giống để cho vụ lúa ĐX tới”.
Ông Bùi Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết: “Toàn xã có trên 300 hộ nuôi cá trong vèo, khu vực nuôi đạt hiệu quả cao nhất là kinh Đôi (ấp Phú Thọ), kế đến là trên kinh Bà Đầm (ấp Trường Thọ 1). Đây là thời điểm dễ kiếm mồi cho cá. Người nuôi chỉ cần bắt cua, ốc và các loại cá nhỏ làm thức ăn cho chúng. Mỗi hộ ở đây nuôi 2 – 3 vèo, thu nhập bình quân từ 25 – 35 triệu đ/năm”.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết: “Phong chào nuôi cá ruộng kết hợp trong mùa lũ đang phát triển rất mạnh, chủ yếu ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh với diện tích trên 10.000 ha, tăng 10 – 15% so với năm rồi. Mô hình này được áp dụng 2 lúa + 1 cá hoặc 3 lúa + 1 cá vào mùa lũ đang đem lại hiệu quả cao.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, 05/12/2014