Người nuôi tôm thẻ tại Trà Vinh đã chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh với nhiều hình thức như nuôi tôm thẻ theo quy trình khép kín ít thay nước, nuôi thay nước thường xuyên,… nhưng chủ yếu là nuôi tôm theo hai giai đoạn.
Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 02 giai đoạn được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi 01 giai đoạn, việc tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp trình độ cũng như kinh nghiệm của người dân được nâng lên và ứng dụng tốt vào sản xuất.
Nuôi tôm thẻ 02 giai đoạn có nhiều ưu điểm như ao ương có diện tích nhỏ nên dễ quản lý, giảm chi phí giai đoạn 1 tháng tuổi. Con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Giảm công lao động trong giai đoạn 1 tháng tuổi. Hạn chế thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn đầu. Lượng nước thải ra môi trường ít so với nuôi thải trực tiếp nên hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, lợi nhuận mang lại cao.
Sau đây xin gửi đến bà con “Một số yêu cầu và kinh nghiệm nuôi tôm thẻ hai giai đoạn tại tỉnh Trà Vinh”:
– Cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh nước lợ của địa phương. Hệ thống giao thông, điện thuận lợi, nguồn nước đảm bảo đủ cung cấp cho quá trình nuôi tôm.
– Khu nuôi đảm bảo có hệ thống ao ương, ao nuôi, ao lắng, xử lý, chứa thải, trong đó:
+Ao ương có diện tích từ 100 – 500m2, độ sâu 0,8-1m, ao được lót bạt, có hố xi-phông ở giữa và hệ thống ôxy đáy, có mái che và rào lưới xung quanh.
+Ao nuôi chiếm 25% tổng diện tích công trình. Diện tích ao nuôi tốt nhất từ 1.000 – 1.600 m2, độ sâu đạt 1,5m, ao được lót bạt, có hố xi-phông và hệ thống ôxy đáy.
+Ao chứa/ao lắng: bao gồm ao lắng thô, ao lắng xử lý, ao lắng sẵn sàn; chiếm tối thiểu 65% tổng diện tích công trình nuôi.
+Ao xử lý nước thải, chất thải rắn chiếm tối thiểu 10% tổng diện tích công trình. Vị trí đặt cách ao nuôi, ao chứa, ao lắng và ao nuôi của cơ sở nuôi liền kề tối thiểu 10m.
Giai đoạn 1:
+ Tôm được ương trong nhà kín có diện tích ≥100m2/ao, độ sâu ≥ 1,5 m, có lắp đặt hệ thống oxy, xi-phông đáy.
+ Ao ương được lót bạt đáy, có hệ thống cống xả ra ao nuôi, mái che bằng vải bạt và lưới lan bên trên để giảm nhiệt độ và ổn định môi trường nước, không cho nước mưa vào trong quá trình ương.
+ Quy trình ương ứng dụng quy trình ít thay nước có sử dụng chế phẩm sinh học (BZT; BRF2, EMC) để quản lý môi trường ao ương.
+ Dùng thuốc tím xử lý nồng độ 3ppm và chlorine xử lý nồng độ 30 ppm.
+ Gây màu nước: Sử dụng các chế phẩm gây màu dùng trong nuôi trồng thủy sản hoặc phân vô cơ (Ure, NPK….)
+ Chọn tôm giống khỏe, âm tính với 5 loại vir-rút: TSV, WSSV, YHV, IHHNV, BP; tiến hành thả giống vào sáng sớm.
+ Mật độ ương: 2.500 con/m2.
+ Sử dụng thức ăn chuyên dùng có hàm lượng dinh dưỡng và protein dễ hấp thu cao hơn 50%.
+ Môi trường ao nuôi được kiểm soát chặc chẽ, các chỉ tiêu môi trường được kiểm tra hàng ngày, để ứng phó kịp thời với những biến động xảy ra trong quá trình ương.
+ Sau thời gian ương khoảng 30 – 45 ngày, tôm đạt kích cỡ 800 – 1.000 con/kg sẽ san qua ao nuôi. Trước khi san qua ao nuôi cần lưu ý kiểm tra môi trường (độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ,… ) của ao ương và ao nuôi phải tương đương và nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt, nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi.
+ San tôm thực hiện vào sáng sớm khi nhiệt độ nước của ao ương và ao nuôi thương phẩm ổn định và chênh lệch không đáng kể. San tôm bằng cách mở van cho tôm và nước xuống ao nuôi thương phẩm hoặc san khô bằng cách sử dụng dụng cụ chứa bằng rổ có nắp đậy, mỗi rổ chứa 2-3 kg tôm, thời gian vận chuyển khi san khô không quá 5 phút.
Giai đoạn 2:
+ Diện tích mỗi ao nuôi 1.500 m2/ao, độ sâu từ 1,2-1,6 m và bờ ao tối thiểu cao hơn mặt nước 0,5m. Ao nuôi có cống cấp, thoát nước riêng biệt, được lót bạt đáy và bờ chắc chắn.
+ Ao chứa lắng để trữ nước và xử lý nước trước khi cấp cho các ao nuôi, diện tích bằng 50-70% diện tích khu ao nuôi.
+ Quạt nước, máy thổi cung cấp khí đáy ao được bố trí hợp lý, tạo dòng chảy trong ao, đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong nước luôn duy trì >4 mg/l.
+ Lấy nước từ ao chứa qua lưới lọc sinh vật.
+ Xử lý nước bằng thuốc tím nồng độ 3ppm và Chlorine với nồng độ 30ppm.
+ Gây màu: Sau khi lấy nước đầy ao theo yêu cầu kỹ thuật thì tiến hành gây màu nước trước khi san tôm từ ao ương ra nuôi, dùng các sản phẩm gây màu dùng trong thủy sản.
+ Mật độ nuôi 150 -200 con/m2.
+ Quy trình nuôi tôm chân trắng thâm canh: Áp dụng quy trình nuôi ít thay nước, sử dụng một trong các chế phẩm sinh học (BZT, BRF2, EMC) để quản lý môi trường ao nuôi.
+ Trong quá trình nuôi tiến hành xi-phông đáy kết hợp thay nước mỗi ngày, lượng nước thay chiếm 50-70% lượng nước trong ao hoặc bổ sung lượng nước do rò rỉ, bốc hơi,…
Nhìn chung nuôi tôm thẻ 02 giai đoạn có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, người nuôi chỉ áp dụng hình thức này khi có đủ điều kiện về kinh tế, nguồn nhân lực, kỹ thuật,… Các hộ nuôi tôm 02 giai đoạn cũng như nuôi bán thâm canh, thâm canh phải đủ hệ thống các ao nuôi, ao chứa và xử lý nước thải, ao lắng, lọc,… trước khi xả ra ngoài kênh rạch công cộng để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nuôi tôm thẻ chân trắng được xác định là đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội nên việc nghiên cứu tìm giải pháp xây dựng, ứng dụng các hình thức nuôi hợp lý mang tính bền vững theo từng điều kiện, từng vùng nuôi là cần thiết để tạo sản phẩm đạt chất lượng và hướng đến nghề nuôi tôm ngày càng mang tính bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia, 01/01/1970 ,
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.