Năm 2014, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Toàn huyện có 1.985 ha NTTS, sản lượng đạt 5.485 tấn.
Trong đó nuôi mặn lợ 297 ha, sản lượng đạt 865 tấn, ở vùng nuôi tôm kém hiệu quả áp dụng hình thức đa dạng hóa các đối tượng nuôi như cua, cá hồng mỹ, cá vược… nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Diện tích nuôi cua 43 ha đạt 26 tấn, năng suất bình quân 0,6 tấn/ha, nuôi cá mặn lợ 45 ha đạt 90 tấn, năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha.
Đặc biệt, năm 2014 phong trào nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng phát triển, với diện tích nuôi 207 ha, sản lượng đạt 640 tấn, năng suất bình quân 3,1 tấn/ha, có một số hộ nuôi điển hình ở xã Diễn Trung đạt trên 12 tấn/ha.
Để đảm bảo vụ nuôi 2015 được thắng lợi, huyện đã có thông báo lịch thời vụ NTTS, khuyến cáo bà con tuân thủ việc sau:
+ Đối với tôm sú chỉ thả nuôi 1 vụ trong năm, thả giống từ 20/4 – 30/5; nuôi thâm canh, bán thâm canh mật độ thả 15 – 20 con/m2; nuôi quảng canh cải tiến thả 6 – 8 con/m2, có thể kết hợp nuôi cua, nuôi cá nước lợ; kích cỡ giống P15.
+ Đối với tôm thẻ chân trắng, thả vụ 1 bắt đầu từ 15/3 – 30/7, mật độ thả 70 – 90 con/m2 , kích cỡ giống P12; thả vụ 2 chỉ áp dụng cho các vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì thả giống từ 20/9 – 30/10, mật độ thả 50 – 60 con/m2, kích cỡ giống P12 .
So với các năm trước ở cùng thời điểm thì năm nay thời tiết ấm, nhiệt độ cao hơn nhiều, chính vì thế ngay sau Tết Nguyên đán một số hộ nuôi tôm ở Diễn Châu đang tiến hành cải tạo ao nuôi, lấy nước, tìm hiểu về thức ăn cũng như nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng để thả nuôi cho kịp thời vụ.
Nuôi tôm được xem là một nghề siêu lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chính vì thế đòi hỏi người nuôi luôn thận trọng, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, đồng thời phải biết học hỏi, đúc rút kinh nghiệm cho mình qua từng giai đoạn của 1 vụ nuôi.
Những người nuôi tôm thành công ở Diễn Châu đã biết cách nuôi tôm an toàn sinh học, đảm bảo phát triển bền vững. Họ đã có trên 10 năm trong nghề và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu đúc rút được trong quá nuôi tôm như sau:
+ Trước hết phải tìm hiểu thông thạo môi trường ở vùng ao nuôi, biết được tính chất của nguồn nước, điều kiện thời tiết khí hậu để tìm ra các biện pháp xử lý thích hợp khi nuôi.
+ Thiết kế ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích ao nuôi từ 3.000 – 3.500 m2 là hợp lý nhất, khu cực nuôi nên chia làm nhiều ao vừa dễ quản lý, chăm sóc và giảm rủi ro về dịch bệnh.
+ Chuẩn bị ao là khâu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm. Sau mỗi vụ nuôi do lượng thức ăn dư thừa, chất thải của tôm tích tụ ở đáy ao sẽ tạo thành một lớp mùn bã hữu cơ, đây chính là nơi chứa nhiều tác nhân gây bệnh và sản sinh một số khí độc làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm.
Tiến hành tháo cạn nước, phơi khô, vét sạch lớp bùn đen ở đáy ao và vận chuyển ra xa khỏi ao nuôi; bón vôi (CaO) với lượng 500 – 700 kg/ha, loại vôi này có tác dụng diệt khuẩn cao, sau 10 – 15 ngày rửa vôi ra và phơi đáy ao 7 – 10 ngày, lấy nước vào ao chứa, diệt khuẩn bằng Chlorin với liều lượng là 30 ppm (30 gr/m3 nước) từ 15 – 20 ngày.
+ Gây màu nước bằng men vi sinh như SuperVS, CP. Bioplus… với lượng 10 – 12 kg/ha/lần, đánh trong 1 tuần, so với gây màu nước bằng phân vô cơ và phân hữu cơ thì gây màu nước bằng men vi sinh chi phí chỉ cao hơn 10 – 15%, màu nước lên từ từ, chậm hơn nhưng khả năng giữ màu nước ổn định, lâu dài đảm bảo cho sự phát triển của tôm, mặt khác sử dụng men vi sinh bổ sung được nguồn vi sinh vất có lợi trong ao nuôi, tăng sức đề kháng, giảm được nguy cơ dịch bệnh trên đàn tôm nuôi, an toàn về môi trường…
+ Chọn giống phải đảm bảo chất lượng, đúng kích cỡ, chọn giống ở những công ty có uy tín như CP, Việt Úc… Giống đã qua kiểm dịch, tránh tình trạng một số hộ dân do thiếu nguồn tôm giống đã vội vàng mua tôm giống ở những nơi không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hao hụt lớn, dịch bệnh xảy ra nhiều dẫn đến nuôi không thành công.
Trước khi lấy giống nên yêu cầu các trại giống thuần hóa độ mặn cho phù hợp với ao nuôi, khi thả giống nên gây sốc độ mặn trong thời gian 1 – 1,5 tiếng nếu tôm không chết là tôm khỏe.
+ Trong quá trình nuôi tùy từng giai đoạn phát triển của tôm mà bổ sung các chất cần thiết. Sau khi thả giống 10 – 15 ngày bổ sung vi sinh vật có lợi cho ao nuôi bằng Super VS, khi xuất hiện khí độc trong ao do tảo chết xử lý bằng Zeolite đánh vào lúc 14 – 15h chiều để khử độc, lắng đọng tảo chết là tốt nhất.
Giai đoạn sau 15 – 17 ngày khi tôm chuyển sang ăn thức ăn số 2 thì bổ sung các loại men đường ruột như Zymetin, CP.Zymentin Mutagen, VTM C… Từ 30 – 45 ngày tôm bắt đầu phát triển mạnh nên cần bổ sung thêm các chất kiềm, khoáng, thuốc bổ… Sau 45 ngày chuyển sang ăn thức ăn số 3 là bước đầu đã vượt qua được giai đoạn yếu.
+ Về thức ăn và cách cho ăn: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn cho tôm, người nuôi phải biết cách lựa chọn những công ty SX thức ăn có uy tín, đảm bảo chất lượng, có hàm lượng độ đạm cao như CP, Uni…; tùy vào từng giai đoạn mà cho tôm ăn thức ăn vừa đủ phù hợp với kích cỡ của tôm.
Trên đây chúng tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm trong nuôi tôm, hy vọng người nuôi tham khảo, áp dụng vào từng điều kiện cụ thể ở từng vùng nuôi của mình, nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, 05/03/2015
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.
Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you. https://www.binance.info/sl/join?ref=V2H9AFPY