Ông Lương Văn Tám – ngụ ấp Long Hòa A, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang – không chỉ là một nông dân trồng mít đạt năng suất cao nhờ bao trái bằng lưới, mà còn là người nuôi cá trong mương vườn đạt hiệu quả cao.
Mô hình vườn – ao của ông Tám là khu vườn trồng toàn mít trông khá ấn tượng. Dọc theo những bờ mít xanh um là những con mương chạy dài thẳng tắp. Dưới mương ông Tám thả lục bình, trồng thêm rau muống; còn trên bờ trồng khoai lang, khoai mì để lấy lá cho cá ăn.
Ông Tám cho biết, diện tích đất vườn nhà ông rộng trên 8.000m2; trong đó diện tích ao – mương chiếm trên 2.000m2, lưu thông với ruộng lúa. Với mặt nước tự nhiên thuận lợi, ông đắp đê quanh vườn, ruộng và đặt bọng để thả cá. Lúc đầu ông mua con giống các loại cá lóc, tai tượng, chép vàng, trắm cỏ… thả nuôi. Sau một thời gian, cá mè vinh ngoài tự nhiên theo dòng nước tràn vào rồi sinh sôi nẩy nở càng lúc càng nhiều.
Ông Tám phấn khởi kể: Cá nuôi trong mương rất mau lớn, ít tốn thức ăn nhờ một phần cá tự tìm thức ăn trong thiên nhiên (rong, rêu, cua, ốc, cá, tép) cộng thêm với rau lang, rau muống, đọt mì… ông trồng dọc theo các mé mương. Ông Tám còn tận dụng những trái mít hư, kém chất lượng đem xắt mỏng làm thức ăn cho cá; đặc biệt cá trắng, cá mè vinh rất mê món này. Mỗi ngày ông chỉ rải thêm ít cám và thức ăn viên để nhử cho cá quen mồi và mau lớn.
Nuôi cá trong mương vườn – vẫn theo ông Tám – còn đòi hỏi môi trường nước phải sạch. Ông Tám tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì nếu phun hóa chất lên cây trái sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, nguồn nước bị ô nhiễm, cá sẽ chết. Để không phải sử dụng hóa chất, ông Tám dùng bao lưới bọc toàn bộ những trái mít để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, nước dưới ao mương lúc nào cũng sạch, bảo đảm an toàn cho các loài cá nuôi. Theo tính toán của ông Tám, số lượng cá trong mương hiện lên đến 5 tấn; nhiều nhất là cá mè vinh. Nếu bán với giá bình quân 35.000 đồng/kg, năm nay ông cũng kiếm trên 150 triệu đồng, chưa kề tiền bán mít.
Theo Báo Lao Động, 09/09/2014 ,