Tỷ phú sò huyết Cà Mau

Mô hình nuôi sò huyết ở đầm Thị Tường (huyện Trần Văn Thời và Phú Tân, tỉnh Cà Mau) phát triển vài năm nay, mang lại hiệu quả cao, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Dễ nuôi mà hiệu quả cao

Hộ ông Nguyễn Văn Thống (ấp Tân Phong, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời) là một trong những hộ đầu tiên nuôi sò trong đầm Thị Tường, đã thành công và đang nhân rộng diện tích. Vụ sò vừa rồi (từ đầu năm đến nay), hộ này thu được hơn tỷ đồng.

Ông Thống quê An Minh (tỉnh Kiên Giang), từng thành công với việc nuôi sò huyết ở đây. Năm 2012, để nhân rộng mô hình này, ông Thống được sự giới thiệu của bạn bè, đến huyện Trần Văn Thời tìm “đất dụng võ”. Qua 2 năm thực hiện mô hình này, năm đầu do chưa biết rõ đặc điểm môi trường nơi đây, nhất là nguồn nước, cộng với mới làm phải đầu tư nhiều, ông Thống thất thu; nhưng năm thứ hai thì thắng lớn.

Theo ông Thống, sò huyết dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra đến thời điểm này vẫn ổn định, nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường, ít tốn kém chi phí, chủ yếu chỉ tốn vốn đầu tư cho con giống và tiền thuê nhân công. Do làm trên diện tích rộng (khoảng 20 ha), khó khăn lớn nhất hiện nay là trông coi, quản lý diện tích nuôi. Ông phải thuê thêm 5 người để đảm bảo việc trông coi và thu hoạch ổn định.


Sò huyết dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra ổn định

Đến nay, gia đình ông đã đầu tư 2 tỷ đồng tiền con giống và vốn ban đầu. Ước tính vụ này ông thu được khoảng 3 tỷ đồng, cộng với tiền thu năm trước, trừ chi phí (giống, thuê người chăm sóc, thu hoạch…) còn lãi khoảng 1,5 tỷ. “Bây giờ mọi chi phí đầu tư đã ổn định, hằng năm tôi hướng tới lợi nhuận trên tỷ đồng”, ông Thống cho biết thêm.

Hiện, giá sò khoảng 75.000 đồng/kg loại 60 – 65 con/kg, loại sò 80 con/kg giá khoảng 60.000 đồng/kg… Đợt vừa rồi, ông thu hoạch 10 tấn sò thương phẩm giá trung bình 60.000 đồng/kg bán tại ao, lãi trên 500 triệu đồng.

Nhân rộng thành công

Ông Thống nuôi theo dạng tự nhiên, không cần xử lý, cải tạo môi trường nuôi. Từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch khoảng 1 năm; tùy theo loại giống lớn nhỏ, người nuôi lựa chọn thả, thời gian có thể rút ngắn hoặc kéo dài thêm. Cách làm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng lưới vây quanh diện tích nuôi để giới hạn không gian nuôi sò. Lưới vây chỉ cần cao hơn mặt nước 0,2 m để ngăn không cho sò ra bên ngoài. Không cần cho ăn hay hoạt động chăm sóc nào khác, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch.

Bên cạnh nuôi sò thương phẩm, lão nông này có nhiều năm kinh nghiệm ươm con giống cung cấp cho dân địa phương. Con giống để ươm phân phối ra thị trường rất nhỏ được ông mua tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) hoặc sang tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu mua về. Con giống khi mới mua về được gọi là sò cám, giá khá cao, loại 200.000 con/kg giá 3 triệu đồng, loại 5.000 con/kg thì 7 triệu đồng. Sò huyết giống ông Thống bán lại cho dân địa phương nuôi loại 300 – 400 con/kg giá 60.000 – 65.000 đồng/kg, loại 1.000 con giá trên 100.000 đồng/kg; sò càng lớn giá càng rẻ.


Vùng nuôi sò huyết người dân phải cất chòi canh giữ.

Từ những kết quả đó, ông Thống đang tính mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, trước đây ở đầm Thị Tường này chỉ toàn lú và lưới đánh bắt tôm cá thì nay đã mọc lên nhiều chòi lá ở giữa đầm để phát triển mô hình nuôi sò huyết, không còn diện tích trống cho ông phát triển thêm.

Anh Nguyễn Văn Nhân, một hộ mới nuôi sò huyết với diện tích 5 ha, cho biết, thấy mô hình đơn giản mà lợi nhuận cao nên rất nhiều người đầu tư thực hiện. Sò của gia đình anh đã nuôi được 8 tháng, đang phát triển tốt, hy vọng cuối năm nay “trúng mùa”.

Ông Di Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: Mô hình nuôi sò huyết trong đầm Thị Tường triển khai đầu tiên tại xã Phong Điền đầu năm 2012, mang lại lợi nhuận cao, đang được người dân đầu tư phát triển mạnh; giúp địa phương có hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Theo Ngọc Trinh – Trần Văn, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 22/10/2014

Ý kiến của bạn