Hiện nay tôm càng xanh là loài thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi, nhưng để đạt được điều này đòi hỏi người nuôi phải nắm kỹ quy trình kỹ thuật nuôi nhất là kỹ thuật cho tôm ăn và quản lý thức ăn làm sao để đạt hiệu quả vì chi phí thức ăn trong nuôi tôm rất cao, chiếm trên 50% chi phí vụ nuôi.
Đặc điểm dinh dưỡng của tôm càng xanh có những điểm khác hơn so với các loài thủy sản khác: Khi còn ở giai đoạn ấu trùng, tôm càng xanh ăn các loại phiêu sinh động thực vật và các chất lơ lửng. Trong giai đoạn này người nuôi thường cho tôm ăn ấu trùng Artemia và thức ăn chế biến có kích thước hạt nhỏ (lòng đỏ trứng, sữa, dầu mực…). Đến giai đoạn hậu ấu trùng: tôm càng xanh mang nhiều đặc điểm dinh dưỡng của tôm trưởng thành. Chúng bắt mồi ở đáy ao hồ. Giai đoạn này sử dụng rất tốt các loại thức ăn chế biến hoặc thức ăn tươi sống do con người cung cấp. Thức ăn phù hợp nhất cho giai đoạn này là: trùng chỉ, tép xay, cá tươi bằm nhuyễn, ốc, hến bằm. Tôm trưởng thành ăn tạp sống ở đáy. Trong tự nhiên thức ăn của chúng thường là nhuyễn thể (các loại ốc, hến), động vật giáp xác khác, trùng chỉ, chất hữu cơ… Khi trưởng thành tôm sử dụng tốt các thức ăn nhân tạo nhất là thức ăn dạng viên.
Tôm tìm kiếm thức ăn nhờ cơ quan xúc giác, dùng chân ngực kẹp thức ăn đưa vào miệng. Cũng thấy tôm có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau khi thức ăn trong ao nuôi bị thiếu khi trong đàn có những con lột xác. Tôm ăn mạnh vào buổi tối.
Có thể sử dụng thức ăn tươi như phế thải lò mổ, ốc, cua, cơm dừa, củ khoai các loại cho ăn trực tiếp hoặc thức ăn chế biến: tấm, cám, bột cá… hấp chín ép thành viên phơi sấy khô để dành cho tôm ăn hoặc thức ăn viên công nghiệp, khẩu phần thức ăn có hàm lượng đạm từ 25 – 30% là đạt yêu cầu.
Lượng cho ăn được tính như sau:
(dùng thức ăn viên công nghiệp)
Khối lượng tôm (g/con) | Lượng thức ăn (% khối lượng đàn tôm) |
---|---|
2,5 – 3 | 6,5 |
4 – 5 | 5,5 |
6 – 9 | 4,2 – 4,5 |
10 – 13 | 3,7 – 4.0 |
14 – 20 | 3,0 – 3,5 |
21 – 27 | 2,5 – 2,7 |
28 – 34 | 1,7 – 2,0 |
35 – 40 | 1,0 – 1,4 |
Khi cho tôm ăn cũng cần dựa thêm vào các yếu tố sau để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp:
+ Kết hợp sàng ăn và rải nhiều điểm trong ao để dễ kiểm tra thức ăn tôm sử dụng.
+ Ao dơ hay những ngày mưa gió lớn nên giảm lượng thức ăn.
+ Cho tôm ăn hơi thiếu vẫn tốt hơn thừa (dùng vó để kiểm tra thức ăn hằng ngày).
+ Tôm thích mồi tanh nên cần trộn thức ăn chế biến với thức ăn tươi sống để gây mùi
Lưu ý: thức ăn tươi sống như cua ốc, cá tạp,… sau khi giã nhỏ thì nên cho vào sàn, không nên rãi khắp ao để dễ kiểm tra, loại bỏ thức ăn thừa và tránh làm dơ nước ao.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, 28/09/2014 ,